MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Lê Kim Điệp- Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm trao đổi về những giải pháp để nâng cao chất lượng cán bộ Công đoàn. Ảnh: N.Ánh

Nâng cao chất lượng cán bộ Công đoàn quận, huyện, thị xã

Hải Anh LDO | 30/04/2021 15:33

Hiện LĐLĐ Thành phố Hà Nội đang quản lý trực tiếp 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 25 Công đoàn cơ sở trực thuộc (với tổng số 9.031 Công đoàn cơ sở và 609.274 đoàn viên Công đoàn). Trong đó có 5.398 Công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước. Số Công đoàn cơ sở và số cán bộ Công đoàn chiếm chủ yếu ở khối LĐLĐ quận, huyện, thị xã. Cần làm gì để nâng cao chất lượng cán bộ Công đoàn khối này - vấn đề được đặt ra một cách thẳng thắn.

Trao đổi về hoạt động Công đoàn ở quận, ông Lâm Quang Thao - Phó Bí thư Thường trực quận ủy Nam Từ Liêm - đánh giá cao vai trò chủ động, sáng tạo của LĐLĐ quận trong chỉ đạo triển khai các hoạt động Công đoàn. Theo ông, tổ chức Công đoàn đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong hệ thống chính trị của quận. Kết quả hoạt động Công đoàn, phong trào công nhân, viên chức, lao động quận đóng góp một phần quan trọng cùng với hệ thống chính trị của quận hoàn thành tốt nhiệm vụ được Thành phố giao hàng năm.

Bên cạnh đó, ông Lâm Quang Thao cũng chỉ rõ quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cùng với những điều chỉnh trong Bộ Luật Lao động 2019 đặt ra nhiều cơ hội nhưng cũng không it khó khăn thách thức cho hoạt động Công đoàn, quan hệ lao động ngày càng phức tạp. Do đó đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải thể hiện rõ hơn vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động. Chính vì vậy phải có sự đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc trong công tác cán bộ và xây dựng cán bộ Công đoàn các cấp.

Về những hạn chế trong hoạt động Công đoàn cơ sở, ông Ngô Xuân Anh - Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Tây Hồ - chỉ rõ thực trạng ở không ít nơi hoạt động của Công đoàn cấp trên cơ sở chưa đi vào thực chất, bị những nhiệm vụ thường xuyên chi phối; việc thực hiện mục tiêu hướng về cơ sở, lấy người lao động là trung tâm còn thiếu phương pháp, giải pháp hiệu quả. Công đoàn cơ sở ít có tiếng nói trong giải quyết tranh chấp lao động, năng lực bảo vệ đoàn viên, người lao động còn yếu, vai trò tập hợp quần chúng còn mờ nhạt.

Ngoài ra, lực lượng cán bộ Công đoàn chuyên trách ở cấp trên cơ sở còn mỏng, thiếu kiến thức chuyên sâu, thường xuyên bị biến động; cán bộ Công đoàn kiêm nhiệm thường bị chi phối, phụ thuộc vào thủ trưởng đơn vị, người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, cơ chế hành chính có nhiều điểm không phù hợp với tổ chức và hoạt động công đoàn trong thời kỳ hội nhập hiện nay, nhất là công tác cán bộ. Thực trạng này được lý giải là do cơ chế tổ chức trong hệ thống Công đoàn đã áp dụng quá lâu, thiếu những đổi mới mang tính đột phá để thích nghi, phù hợp trình độ phát triển kinh tế xã hội của đất nước...

Đề xuất những giải pháp để nâng cao chất lượng cán bộ Công đoàn, bà Lê Kim Điệp - Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm - cho rằng cần có tiêu chuẩn riêng cho cán bộ Công đoàn chuyên trách ngoài các tiêu chuẩn chung của ngành. Vì thế cần có các chương trình đào tạo ngắn hạn, hàng năm cấp chứng chỉ kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ Công đoàn.

Đối với Công đoàn cấp trên cơ sở cần đẩy mạnh nghiên cứu đề tài sáng kiến, sáng tạo, mỗi năm ít nhất có một đề tài nhằm giải quyết những vấn đề của chính mình.

Đối với Công đoàn cơ sở cần được cân đối kinh phí; nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan, doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện riêng về cơ sở vật chất cho Công đoàn cơ sở hoạt động ví dụ như góc làm việc riêng.

Đặc biệt cần đưa chính sách đối với cán bộ Công đoàn vào quản lý nhà nước, kể cả quy chế phối hợp với chính quyền, chuyên môn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn