MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều lao động địa phương được giải quyết việc làm tại Dự án Khu Liên hợp Thể thao Hà Giang. Ảnh: Lam Thanh

Nâng cao chất lượng lao động vùng biên giới Hà Giang

Văn Tùng LDO | 12/08/2024 12:30

Những năm qua, công tác đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm tại tỉnh Hà Giang có nhiều chuyển biến, đặc biệt là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhờ đó các hủ tục lạc hậu dần được đẩy lùi, chất lượng lao động ngày một nâng cao.

Tạo việc làm đẩy lùi hủ tục

Từng là một trong những hộ khó khăn nhất của xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn, Hà Giang), cuộc sống gia đình chị Vàng Mí Sùng phải chạy ăn từng bữa. Không có việc làm ổn định, cảnh con cái nheo nhóc khiến hai vợ chồng phải vay mượn, chạy vạy mỗi khi cần tiền.

Đến đầu năm 2023, chị Sùng được địa phương vận động học nghề thêu, đồng thời tạo việc làm tại hợp tác xã với thu nhập gần 5 triệu đồng. Từ ngày có việc làm ổn định, cuộc sống gia đình chị Sùng như bước sang trang mới.

Chị Sùng tâm sự: “Trước đây gia đình vất vả lắm, tiền sinh hoạt trong nhà cũng phải vay mượn khắp nơi. Vì khó khăn nên chồng tôi thường xuyên rượu chè, không ít lần bị người ta dụ dỗ qua biên giới lao động trái phép nhưng rồi phải bỏ về. Sau khi được giới thiệu việc làm, cuộc sống thay đổi rất nhiều. Hai vợ chồng tu chí làm ăn, lo cho con cái học hành”.

Cũng theo chị Sùng, số tiền gần 5 triệu đồng/tháng có nằm mơ chị cũng không từng dám nghĩ đến. Giờ có cái nghề trong tay nên cũng yên tâm, chăm chỉ làm việc để lo cho gia đình. Chồng chị Sùng cũng đang học việc để vào hợp tác xã.

“Nhờ được đào tạo, hướng dẫn cho có nghề nên cuộc sống gia đình đã thay đổi rõ rệt. Có việc làm ổn định nên tôi học hỏi được rất nhiều. Những hủ tục, cảnh vất vả, túng quẫn cũng được giải quyết phần nào. Giờ chỉ chăm chỉ làm việc lo cho con cái ổn định thôi” - chị Sùng tâm sự.

Tại huyện Đồng Văn, gia đình chị Sùng là một trong những hộ thay đổi cuộc đời nhờ đào tạo nghề. Cuộc sống của đồng bào trên rẻo cao ngày một đổi thay nhờ có công ăn việc làm ổn định. Cũng nhờ chất lượng nghề được nâng cao, cảnh nheo nhóc, tư duy gắn với các hủ tục dần đẩy lùi. Chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao.

Từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động

Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về kết nối thị trường, nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, địa phương đã tổ chức trên 20 hội nghị tư vấn việc làm, học nghề cho gần 1.000 người, giới thiệu việc làm thành công cho hàng trăm người đi làm việc ngoài tỉnh.

Riêng năm 2023, Hà Giang đã tổ chức 250 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp cho trên 17.000 người. Kết quả tỉ lệ lao động qua đào tạo năm 2023 toàn tỉnh đạt trên 58%; gần 20.000 lao động được qua đào tạo nghề; giải quyết việc làm cho 27.000 lao động. Trong đó, lao động đi làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động là 18.000 người.

Ông Sùng Đại Hùng - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang - cho biết, người lao động sau đào tạo đã biết áp dụng kiến thức, ứng dụng kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất. Từ đó đưa năng suất, chất lượng tăng cao.

Theo ông Hùng, hiệu quả đào tạo nghề đã góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Các mô hình tiêu biểu như: Thêu dệt thổ cẩm tại huyện Quang Bình, trồng cây dược liệu tại huyện Quản Bạ; kỹ thuật trồng rau an toàn tại thành phố Hà Giang, Quản Bạ; trồng ngô hàng hóa tại Xín Mần; Quản Bạ...

“Các mô hình được liên kết giúp ổn định việc làm, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đây là một trong những yếu tố góp phần thực hiện công tác xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.

Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục chủ động tham mưu và phối hợp thực hiện các chính sách an sinh, xã hội, phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 4%/năm trở lên” - vị lãnh đạo thông tin thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn