MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Quế Chi

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập

Quế Chi LDO | 20/03/2019 16:16

Ngày 20.3, Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cùng Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và quản lý dịch chuyển lao động có tay nghề đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành nhằm tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề. Khi AEC ra đời, các thành viên phải thực hiện cam kết về tự do luân chuyển lao động. Hiện quy mô di chuyển của lao động Việt Nam sang các nước ASEAN còn khá nhỏ so với tổng mức tham gia vào di chuyển lao động quốc tế.

Việc dịch chuyển sang các nước khác cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cho người lao động Việt Nam. Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu đề tài “Dịch chuyển lao động có tay nghề trong quá trình Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN", người lao động Việt Nam khi dịch chuyển cho rằng còn gặp phải hàng loạt những khó khăn như: Lo lắng về sự khác biệt văn hóa (37,9%); sự kỳ thị, phân biệt đối xử trong môi trường lao động: 43,3%; rào cản, bất đồng ngôn ngữ: 50,4%; tiêu chuẩn trong lao động: 41,2 %; rất khó cạnh tranh với lao động có tay nghề tại nước bạn: 40,7%.

Vẫn theo nhóm nghiên cứu, các nước như Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan có nhu cầu lao động có kỹ năng cao trong các ngành nghề như dịch vụ, tài chính, ôtô, và thiết bị điện tử, dịch vụ xã hội, dầu khí,…

Trong khi đó, Việt Nam đang dư thừa lao động ở ngành nông nghiệp hay công nghiệp chế biến. Vì vậy, cung – cầu giữa Việt Nam và các nước ASEAN còn có độ “vênh” khá lớn, khả năng cung ứng của Việt Nam đối với những lĩnh vực, ngành nghề mà các nước nêu trên có nhu cầu là khá hạn chế.

Hơn nữa, do chất lượng đào tạo còn hạn chế, lao động Việt Nam dịch chuyển ra nước ngoài nói chung và các nước ASEAN chủ yếu là lao động có kỹ năng trung bình và thấp hoặc lao động giản đơn.

Ở góc độ của tổ chức CĐ, trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, khi Việt Nam là thành viên của AEC, tổ chức CĐ cần quan tâm hơn và nghiên cứu, đề xuất các đề án, kế hoạch tham gia tuyên truyền, vận động và tổ chức các hoạt động đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng và ngoại ngữ để người lao động Việt Nam có thể chủ động, tích cực tham gia dịch chuyển lao động.

Bên cạnh đó, tổ chức CĐ cần nghiên cứu, đề xuất mô hình thu hút, tập hợp người lao động có quốc tịch nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia các hoạt động của CĐ Việt Nam, đồng thời có chính sách, giải pháp chăm lo, bảo vệ người lao động Việt Nam đi làm việc tại các DN ở nước ngoài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn