MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Trần Thị Thanh Hà – Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - khai mạc Hội thảo. Ảnh: Việt Đức

Nâng cao nhận thức của người lao động về kinh tế tuần hoàn

Kiều Vũ LDO | 14/06/2022 11:25

Hà Nội - Làm như thế nào để có thể thúc đẩy doanh  nghiệp triển khai thực hiện kinh tế tuần hoàn? Vai trò Công đoàn trong việc nâng cao nhận thức đoàn viên, người lao động, thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn vì lợi ích của hiện tại và tương lai. Đây là những vấn đề đặt ra tại Hội thảo “Kinh tế tuần hoàn vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 14.6.

Hội thảo có sự gia của lãnh đạo, cán bộ Công đoàn đến từ 14 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, 18 Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng liên đoàn và một số Công đoàn cơ sở doanh nghiệp đã thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

3 nội hàm cơ bản của kinh tế tuần hoàn

Phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng phát triển toàn cầu và cần sự “đồng tâm hiệp lực” của toàn xã hội. 

Tham luận tại Hội thảo, TS Lê Xuân Sinh đến từ Viện tài nguyên và môi trường biển, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam chia sẻ: Kinh tế tuần hoàn có 3 nội hàm cơ bản, gồm Tái tạo các hệ thống tự nhiên: Bảo tồn và tái tạo vốn tự nhiên (đất, nước,…) thông qua việc kiểm soát hợp lý các tài nguyên không thể phục hồi và sử dụng cân đối với các tài nguyên có thể phục hồi, hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch và tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo; giữ cho sản phẩm và vật liệu được sử dụng: Tối ưu hóa lợi tức của tài nguyên bằng cách tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu nhiều nhất có thể trong các chu trình kỹ thuật và sinh học; thiết kế chất thải và ô nhiễm: Nâng cao hiệu suất chung của toàn hệ thống bằng cách xác định được và thậm chí tiến tới mức cao hơn là thiết kế các ngoại ứng tiêu cực. 

Như vậy, với 3 nội hàm kể trên, có thể thấy kinh tế tuần hoàn khá tương đồng với Tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, trong khi tăng trưởng xanh chú trọng nhiều hơn tới vấn đề phát thải khí nhà kính, kinh tế tuần hoàn quan tâm tới phát thải nói chung, bao gồm cả rác thải. Quan trọng hơn cả, kinh tế tuần hoàn đưa ra một cách tiếp cận cụ thể và rõ ràng để giải quyết vấn đề, đó là tuần hoàn vật liệu, nhấn mạnh vai trò của thiết kế sản phẩm và thiết kế chất thải. Ngoài ra, trong khi tăng trưởng xanh cố gắng ngăn chặn suy thoái môi trường, thì kinh tế tuần hoàn còn hướng đến một bước cao hơn, đó là tái tạo các hệ thống tự nhiên.

Nâng cao kỹ năng cho người lao động đáp ứng các yêu cầu quá trình tăng trưởng xanh

Hội thảo là một trong nhiều hoạt động hưởng ứng thiết thực, nhằm thể hiện vai trò và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về vai trò cũng như thách thức đối với tổ chức Công đoàn trong lĩnh vực này. Trong đó, có những thách thức như chất lượng tăng trưởng thấp, chất lượng nguồn nhân lực thấp; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; năng lực khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế…

Theo ThS Hoàng Văn Tâm, Phó chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương), nêu rõ một số vấn đề liên quan đến Công đoàn như tuyên truyền phổ biến cho người lao động các cơ hội thách thức trong việc thực hiện tăng trưởng xanh; cầu nối kết nối với người sử dụng lao động, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai tăng trưởng xanh; tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng cho người lao động đáp ứng các yêu cầu của quá trình tăng trưởng xanh; tham mưu đề xuất các cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho người lao động bị mất cơ hội việc làm do quá trình chuyển dịch tăng trưởng xanh.

Bà Trần Thị Thanh Hà – Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ Lao động: Hội thảo là diễn đàn để cán bộ Công đoàn có thể trao đổi, thảo luận chia sẻ suy nghĩ để làm sao các hoạt động của các cấp Công đoàn được lồng ghép tốt hơn với vấn đề bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững không chỉ của doanh nghiệp, của tổ chức Công đoàn mà chính là vì chất lượng cuộc sống của đoàn viên, người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn