MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Hiệp Hoà tuyên truyền, vận động người lao động Công ty TNHH KD Sports Việt Nam sáng 1.4. Ảnh: NVCC

Nâng cao vai trò Công đoàn cơ sở trong thương lượng về tiền lương

Bảo Hân LDO | 04/04/2022 06:30
Vừa qua, tại Phú Thọ và Bắc Giang xảy ra 2 vụ ngừng việc tập thể của công nhân. Đáng nói, 2 vụ đều liên quan đến mức lương cơ bản thấp mà công nhân đang hưởng. Do đó, cần nâng cao vai trò Công đoàn cơ sở trong thương lượng về tiền lương...

Công nhân ngừng việc đề nghị tăng lương

Tại Bắc Giang, ngày 31.3, hơn 1.600 công nhân Công ty TNHH KD Sports Việt Nam (huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) ngừng việc tập thể. Đây là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài (Hàn Quốc), sản xuất may mặc, với tổng số 1.664 lao động, làm việc tại 3 xưởng. 

Một trong 3 vấn đề công nhân đề nghị là tăng lương cơ bản thêm 300.000 đồng/người/tháng. Theo Liên đoàn Lao động huyện Hiệp Hoà, mức lương cơ bản tại công ty không tăng trong 2 năm qua, hiện là 3,9 triệu đồng/người/tháng.

Sau khi có sự vào cuộc của LĐLĐ huyện, cơ quan chức năng, công ty đồng ý tăng lương nhưng chỉ ở mức 230.000 đồng/người/tháng, không đáp ứng mức đề nghị của công nhân. 

Trước đó, tại Phú Thọ, do lương cơ bản chỉ 3,1 triệu đồng/tháng, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, khoảng 90 công nhân xưởng Nhúng, Công ty Dongwon Glove Việt Nam (huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ) đã ngừng việc tập thể trong hai ngày 24-25.3 để đề nghị tăng lương. 

Công nhân đề nghị tăng lương cơ bản từ 3,1 triệu đồng/tháng lên 3,8-4 triệu đồng/tháng. Mức lương cơ bản 3,1 triệu đồng/người/tháng chỉ hơn mức lương tối thiểu đang áp dụng trên địa bàn huyện Thanh Thuỷ 30.000 đồng (mức lương tối thiểu là 3.090.000 đồng/người/tháng). Tuy nhiên, công ty chỉ đồng ý mức thấp hơn so với đề nghị của công nhân.

Cụ thể: Người lao động làm việc dưới 1 năm được hưởng lương cơ bản 3,3 triệu đồng/tháng; từ 1-2 năm là 3,4 triệu đồng/tháng; ngoài 3 năm là 3,5 triệu đồng/tháng. 

Vai trò thương lượng của Công đoàn cơ sở 

Lương cơ bản là mức lương mà người lao động nhận được khi làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không bao gồm các khoản tiền thưởng, phụ cấp, trợ cấp và các khoản thu nhập bổ sung . 

Khi thoả thuận lương cơ bản, người sử dụng lao động phải đảm bảo mức lương cơ bản không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mà pháp luật quy định đối với từng đối tượng, trình độ. 

Cụ thể là: Mức lương cơ bản không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đơn giản nhất; mức lương cơ bản cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Ông Ngô Quang Tuấn - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang - cho biết, mức lương cơ bản của các công ty trên địa bàn huyện khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài lương cơ bản, doanh nghiệp còn có một số khoản phụ cấp khác.

Theo ông Tuấn, thời gian qua, công tác thương lượng về tiền lương tăng theo hướng có lợi cho người lao động trong doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19.

“Trong thời gian tới, LĐLĐ huyện sẽ cố gắng chỉ đạo các công đoàn cơ sở tăng cường nắm bắt tâm tư công nhân lao động, cố gắng trao đổi, thương lượng với người sử dụng lao động để có hướng có lợi cho người lao động” - ông Tuấn cho hay.  

Trao đổi với phóng viên, bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động cho rằng, công nhân muốn tăng lương thì phải đi vào thương lượng.

“Luật đã quy định đại diện công đoàn cơ sở tiến hành thương lượng tập thể với người sử dụng lao động. Vai trò của công đoàn phải đứng ra thương lượng cho người lao động; nếu thương lượng được thì người lao động mới có lương cao” - bà Chi nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn