MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, an toàn giao thông cho đoàn viên, người lao động. Ảnh: Phúc Đạt

Nâng cao ý thức để giảm tai nạn lao động

PHÚC ĐẠT LDO | 04/04/2024 08:52

Theo thống kê, số vụ tai nạn lao động chết người ở Thừa Thiên - Huế giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, các giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ) ở một số doanh nghiệp chưa được coi trọng đúng mức; ý thức chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của một bộ phận người lao động còn hạn chế. Đây là những nguyên nhân tiềm ẩn TNLĐ hiện nay.

TNLĐ giảm dần qua các năm

Theo số liệu từ Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ Thừa Thiên - Huế, năm 2023 có 8 vụ TNLĐ làm 8 người chết.

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động - LĐLĐ Thừa Thiên - Huế khẳng định, dựa theo số liệu, có thể thấy số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng dẫn đến chết người giảm qua các năm. Ông Nguyễn Quang Trung thông tin, những năm trước, tai nạn lao động thường xảy ra với công nhân tại nơi làm việc. Ví dụ như trường hợp anh Phạm Văn P (1992) - (công nhân nấu thủy tinh, Công ty Cổ phần FRIT Huế Khu công nghiệp Phú Bài, thị xã Hương Thủy), trong quá trình thực hiện công tác vệ sinh xung quanh nền bể ở khu vực hút bể ngầm thì trượt chân do đi lùi, bị sẩy chân rơi xuống bể nước nóng 58 - 67 độ C dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, đến nay, số vụ tai nạn chết người tại nơi làm việc có xu hướng giảm, chủ yếu là tai nạn trên đường đi làm việc.

Ông Nguyễn Quang Trung đánh giá, trước đây, các doanh nghiệp thiếu quan tâm, không trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cho người lao động nên đến khi xảy ra sự cố thì mức rủi ro về tính mạng cao. Nhưng nay, các vụ tai nạn chết người phần lớn là vì tai nạn giao thông trên đường đi làm hoặc đi làm về.

Trách nhiệm của cả doanh nghiệp và người lao động

Theo ông Nguyễn Quang Trung, những vụ tai nạn thương tâm thường có nguyên nhân từ 2 phía: Người lao động và người sử dụng lao động.

Người lao động thường hạn chế về nhận thức, có đồ bảo hộ nhưng không mặc, chủ quan nên khi có tai nạn thì bị ảnh hưởng nặng về sức khỏe, tính mạng. Còn người sử dụng lao động có lỗi là không thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở người lao động mặc đồ bảo hộ, đảm bảo an toàn khi làm việc.

Vấn đề đảm bảo công tác ATVSLĐ đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và hạnh phúc của người lao động là rất quan trọng. Vì vậy, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm hơn trong việc chăm lo sức khỏe người lao động, tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ để cải thiện điều kiện làm việc; quản lý chặt chẽ công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Người lao động phải tự nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nội quy, biện pháp đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình thực hiện công việc.

“Tổ chức công đoàn cấp cơ sở đóng vai trò quan trọng vì là nơi phát triển hệ thống an toàn vệ sinh viên được đào tạo để hướng dẫn, giám sát người lao động tuân thủ ATVSLĐ trong quá trình làm việc.

Hiện việc đào tạo nhân lực an toàn vệ sinh viên, tuyên truyền nâng cao ý thức được chúng tôi tổ chức đều đặn trong cả năm và xem đó như là “vaccine“ trong ý thức đảm bảo ATVSLĐ” - ông Trung nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn