MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 35 (khoá XII), Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu trình bày Tờ trình Tổng kết Chương trình đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đến năm 2023. Ảnh: Hải Nguyễn

Năng lực triển khai hoạt động truyền thông của cán bộ Công đoàn được nâng lên

Kiều Vũ LDO | 18/06/2023 16:25

Hà Nội - Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 35 (khoá XII), trong Tổng kết Chương trình đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đến năm 2023 do Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trình bày đưa ra nhận định: Năng lực tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông, xử lý các vấn đề truyền thông của cán bộ Công đoàn, nhất là cấp Trung ương và cấp tỉnh, ngành ngày càng được nâng lên.

Có chuyển biến trong nhận thức

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Thường trực Đoàn Chủ tịch trình xin ý kiến Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Dự thảo Báo cáo tổng kết Chương trình số 01/CTr-BCH ngày 26.8.2020 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đến năm 2023”.

Chương trình 01 được triển khai thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của đoàn viên, công nhân viên chức lao động, các thế lực thù địch, cực đoan lợi dụng tình hình, gia tăng sử dụng truyền thông, nhất là thông qua mạng xã hội để lôi kéo, kích động công nhân đình công và tham gia các hoạt động gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Chương trình 01 đã được triển khai đạt nhiều kết quả nổi bật quan trọng. Nhận thức của cán bộ Công đoàn các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác truyền thông có những chuyển biến tích cực, được biểu hiện qua việc các cấp Công đoàn đã ưu tiên bố trí nhân sự cho chuyên môn báo chí, truyền thông để triển khai công tác tuyên giáo Công đoàn; quan tâm đầu tư kinh phí, trang thiết bị cho công tác truyền thông; xây dựng kế hoạch, giải pháp truyền thông gắn với từng chương trình, kế hoạch triển khai nhiệm vụ chuyên môn; duy trì và tăng cường mối quan hệ phối hợp với cơ quan báo chí, truyền thông.

Năng lực tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông, xử lý các vấn đề truyền thông của cán bộ Công đoàn, nhất là cấp Trung ương và cấp tỉnh, ngành ngày càng được nâng lên; tổ chức các chiến dịch, sự kiện truyền thông một cách bài bản, khoa học, hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động và dư luận xã hội.

Kinh nghiệm từ thực tế

Đóng góp vào nội dung này, ông Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết kinh nghiệm để truyền thông có hiệu quả là công tác phối hợp và thực hiện lồng ghép các nội dung cần truyền thông qua các hoạt động sự kiện, gameshow. Từ thực tế của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, với cách làm trên đã thu được những kết quả rất tốt.

Bà Trần Thị Diệu Thuý - Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra nhận xét chương trình truyền thông còn mang tính hàn lâm, trong lúc đối tượng cần hướng tới là công nhân lao động. Thực tế, lực lượng tham gia tương tác trên các fanpage chủ yếu là công chức, viên chức. Do đó, cần phải có nội dung truyền thông quần chúng gắn với thực tiễn trên các nền tảng mạng xã hội. Giải pháp đưa ra là đầu tư cho con người, có hệ thống cộng tác viên, có cơ chế sử dụng chuyên gia…

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn

Cũng từ thực tế của địa phương, bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, cho biết hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh ký kết với cơ quan báo, đài truyền hình của tỉnh với nội dung đặt hàng truyền thông cụ thể từng tháng. Đặc biệt, phối hợp với hệ thống đài phát thanh huyện thị để truyền thông các nội dung đến công nhân lao động vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật vì đây là thời gian nghỉ của họ.

Cho ý kiến vào nội dung này, ông Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng biên tập Báo Lao Động, cho biết Báo Lao Động đã tổ chức hiệu quả công tác truyền thông. Trong đó, Báo trực tiếp phối hợp tổ chức thực hiện như hội thảo về Bảo hiểm xã hội, tín dụng đen, hoàn thiện quy định pháp luật để phòng chống và giảm bớt nợ Bảo hiểm xã hội…

Hiện Trung tâm Truyền thông Đa phương tiện của Báo đang thường xuyên tổ chức các bản tin chuyên đề, trong đó có nội dung Công đoàn, dù tổng số nhân lực ít; trang Công đoàn Việt Nam duy trì phản ánh hoạt động của 83 đầu mối, tạo sức lan tỏa. Cuộc thi viết về Công nhân Công đoàn nhận được gần 200 truyện ngắn và tiểu thuyết. Theo đánh giá của Hội Nhà văn thì chất lượng các tác phẩm dự thi khá tốt…

Kết luận về Tổng kết Chương trình đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đến năm 2023, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang khẳng định mục tiêu là phải xây dựng được 1 kênh truyền hình. Phải tập trung cho truyền thông trên mạng xã hội mà đối tượng là công nhân. Từ cơ sở đó, phải có nguồn lực, gồm: con người; đào tạo; phương tiện; kinh phí. Đây là 1 trong những chương trình đột phá, do đó cần nghiên cứu có ban hành 1 chương trình mới cho nhiệm kỳ tiếp theo hay ra kết luận để tiếp tục chương trình này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn