MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) cho rằng, cần nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực. Ảnh: VPQH

Năng suất lao động 3 năm không đạt, khoảng cách khá lớn so với nhiều nước

Vương Trần - Thùy Linh LDO | 01/11/2023 15:12

Nhiều đại biểu Quốc hội nêu rõ, chỉ tiêu năng suất lao động bình quân 2021-2023 không đạt mục tiêu đề ra và thấp hơn mức bình quân của 3 năm 2016-2018. Năng suất lao động nước ta có một khoảng cách khá lớn so với một số nước trong khu vực và các nước phát triển.

Ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế

Phát biểu ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp toàn thể của Quốc hội ngày 1.11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) - cho hay, năng suất lao động bình quân năm 2021-2023 tăng 4,36-4,69%, thấp hơn mức 6,26% của 3 năm (2016-2018). Trong 3 năm liên tục của nhiệm kỳ này tốc độ tăng trưởng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu.

Đại biểu Nga cho hay, theo một số nghiên cứu năng suất lao động nước ta có một khoảng cách khá lớn so với một số nước trong khu vực và các nước phát triển. Việc đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng năng suất lao động có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.

Vì vậy, trọng tâm trong thời gian tới, đại biểu cho rằng Chính phủ cần tập trung cải thiện chỉ tiêu quan trọng này, phải nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện hiệu quả khâu đột phá chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực. Đây cũng chính là vấn đề mà rất nhiều đại biểu đã phát biểu trước quan tâm.

Qua giám sát, đại biểu Nga cho rằng, mặc dù Chính phủ đã có nhiều đổi mới trong giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ và bằng cấp còn rất thấp.

Đáng quan tâm là sự thiếu hụt các nhà khoa học sáng tạo, các chuyên gia đầu ngành trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Chất lượng đào tạo còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu việc làm mới nảy sinh từ phát triển kinh tế, tri thức và hội nhập quốc tế.

Về cơ cấu, đại biểu cho hay, tình trạng mất cân đối về cơ cấu, trình độ cơ cấu ngành, cơ cấu vùng miền vẫn là một điểm yếu dai dẳng trong phát triển nhân lực nước ta và sự đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đặt ra.

Cần nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Chamaléa Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, năng suất lao động nước ta thấp, chủ yếu là do chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, nguồn nhân lực thiếu và yếu trong hầu hết các lĩnh vực mũi nhọn.

Do đó, muốn phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đại biểu Thủy đề nghị Chính phủ cần có những chính sách đầu tư hiệu quả và yếu tố con người.

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) cho rằng cần đầu tư hiệu quả và tập trung vào yếu tố con người. Ảnh: VPQH

Đại biểu cho rằng, con người là yếu tố rất quan trọng, vì yếu tố con người quyết định thành bại của mọi chính sách khác. Các chính sách lớn chậm được triển khai, lúng túng trong thực hiện thì nguyên nhân chính là do nguồn lực thực hiện còn hạn chế, năng suất lao động thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, nguồn nhân lực thiếu và yếu trong một số ngành mũi nhọn.

Đại biểu đề nghị cần đầu tư nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa vào yếu tố con người, thực hiện hiệu quả các chính sách về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục và đào tạo, xây dựng chính sách phát huy hiệu quả giá trị văn hóa, khơi dậy sức mạnh dân tộc, tinh thần yêu nước và khát vọng vươn lên của người Việt, tạo nền tảng bền vững và lâu dài cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn