MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao năng suất lao động của Việt Nam. Ảnh: Quế Chi

Năng suất lao động của Việt Nam vẫn rất thấp trong khu vực

Quế Chi (T/H) LDO | 25/05/2024 06:30

Năng suất lao động năm 2022, 2023 đều tăng cao hơn so với năm trước đó, nhưng năng suất lao động mỗi giờ của Việt Nam vẫn thuộc hàng thấp nhất châu Á.

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022).

Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022). Năng suất lao động năm 2022 theo giá hiện hành đạt 188,7 triệu đồng/lao động, tăng 4,8% so với năm trước.

Theo báo cáo năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 thực trạng và giải pháp của Tổng cục Thống kê, bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng năng suất lao động của toàn nền kinh tế đạt 5,29%. Tuy nhiên, mức tăng năng suất lao động của Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng.

Tính theo PPP 2017, năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 đạt 18,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,3% mức năng suất của Singapore; 23% của Hàn Quốc; 24,4% của Nhật Bản; 33,1% của Malaysia; 59,1% của Thái Lan; 60,3% của Trung Quốc; 77% của Indonesia và bằng 86,5% năng suất lao động của Philippines. Năng suất lao động của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn năng suất lao động của Campuchia (gấp 2,4 lần); Myanmar (1,6 lần); Lào (gấp 1,2 lần).

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động phản ánh năng lực tạo ra của cải, hiệu suất lao động cụ thể trong quá trình sản xuất, được đo bằng số sản phẩm hay lượng giá trị tạo ra trong một đơn vị thời gian hoặc lượng thời gian lao động sử dụng để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.

Báo cáo kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước của Chính phủ tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cũng đưa ra đánh giá, tốc độ tăng năng suất lao động chưa đạt yêu cầu. Chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội năm thứ 3 không đạt.

Để tăng năng suất lao động, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong một bài viết đăng tải vào năm 2014, có hai con đường để tăng năng suất lao động cho các quốc gia ASEAN. Một là tăng hiệu quả của các ngành công nghiệp chính bằng cách áp dụng công nghệ mới, nâng cấp máy móc và đầu tư vào đào tạo kỹ năng và đào tạo nghề. Tuy nhiên, năng suất lao động có thể tăng nhiều nhất thông qua con đường thứ hai – chuyển dịch sang các hoạt động có giá trị gia tăng lớn hơn.

Bởi vậy, các quốc gia cần chuyển dịch từ nông nghiệp và các ngành dịch vụ cấp thấp sang các ngành chế tạo và các ngành dịch vụ cao cấp. Để làm được điều này, các chính phủ cần cung cấp cơ sở hạ tầng có chất lượng, hệ thống giáo dục và phát triển kỹ năng tốt, và các doanh nghiệp cần có khả năng đầu tư và nắm bắt cơ hội.

Theo bài viết trên, báo cáo của ILO và Ngân hàng Phát triển châu Á chỉ ra rằng tăng năng suất lao động đóng vai trò quan trọng đối với việc tăng lương thực tế và cải thiện mức sống của người lao động về dài hạn. Khi mức giá trị gia tăng bình quân trên mỗi người lao động tăng lên, doanh nghiệp có thể có khả năng trả lương cao hơn trong khi vẫn duy trì khả năng cạnh tranh. Bởi vậy, bằng cách tăng năng suất lao động, Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác có thể cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu dựa trên năng suất lao động cao thay vì dựa vào mức lương thấp.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa năng suất lao động cao hơn và mức lương cao hơn không phải ngẫu nhiên mà có. Các quốc gia cần xây dựng những thể chế xác định tiền lương vững chắc để đảm bảo rằng việc tăng năng suất lao động có thể mang lại mức lương cao hơn cho người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn