MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đo thân nhiệt cho công nhân Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam trước khi vào nhà máy. Ảnh: Hà Anh

Nên khuyến khích người lao động là F1 đi làm

Quế Chi - Hà Anh LDO | 23/03/2022 06:00
Vừa qua Bộ Y tế xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trường hợp người lao động (NLĐ) là F0 không có triệu chứng, có thể tự nguyện quay lại làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh COVID-19; F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến… Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, nhiều cán bộ công đoàn cho rằng NLĐ là F1 nên được bố trí đi làm phù hợp với môi trường để tránh lãnh phí nguồn nhân lực.

Nhiều doanh nghiệp huy động F1 đi làm

Ông Ngô Đức Thắng - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang - cho biết, trong các doanh nghiệp khu công nghiệp của tỉnh, hiện những NLĐ đã báo là F0 thì phải có xét nghiệm âm tính mới đi làm. 

Còn đối với F1, trước đây phải cách ly, nhưng gần đây đã đi làm bình thường do nhiều trường hợp NLĐ đã tiêm đủ 3 mũi vaccine và doanh nghiệp lo thiếu hụt lao động. Doanh nghiệp khuyến khích NLĐ là F1 đi làm, có hỗ trợ thêm cho những trường hợp này. Do đó, ông Thắng đồng tình với đề xuất cho F1 đi làm. 

“Ngay bản thân tôi, vợ là F0, tôi là F1, nhưng tôi vẫn đi làm bình thường; chỉ tránh tiếp xúc với người khác” - ông Thắng cho hay. 

Theo quan điểm của ông Thắng, NLĐ là F0 nên ở nhà điều trị, có xét nghiệm âm tính mới đi làm, tránh ảnh hưởng đến doanh nghiệp, xã hội. “Tuy nhiên, nếu F0 làm việc online, hoặc làm ở phòng riêng, cách biệt với những người khác thì có thể đi làm” - ông Thắng bày tỏ.

Ngoài ra, ông Thắng cho rằng, việc F0 đi làm hay không thì phải căn cứ vào quy định của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch của từng địa phương. 

Còn ông Nguyễn Thế Quyết - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh - cho biết, trong các khu công nghiệp tỉnh chưa có trường hợp nào cho F0 đi làm, vì chưa có văn bản quy định của nhà nước; còn đối với trường hợp NLĐ F1 có khai báo thì doanh nghiệp vẫn cho đi làm và bố trí một khu vực làm việc riêng. 

Ông Quyết thống nhất với đề xuất cho F0 không triệu chứng và F1 đi làm. “Nhưng doanh nghiệp cần có khu vực riêng để phục vụ công tác cách ly, quản lý NLĐ là F0 không có triệu chứng và người không bị mắc bệnh” - ông Quyết nêu ý kiến.

Theo Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, ngay cả NLĐ là F1 cũng nên được cách ly ở khu vực riêng để phòng trường hợp F1 thành F0. Bên cạnh đó, nếu NLĐ là F0 có thể làm việc online là rất phù hợp. 

“Tuy nhiên, việc NLĐ là F0 đi làm hay không phải dựa trên sự tự nguyện của họ. Người lao động F0 mà không đồng ý thì không thể ép người ta đi làm được. Ngoài ra, cần có sự hỗ trợ, ưu đãi đối với những trường hợp này” - ông Quyết nói và cho biết, F0 là người bệnh nên khi đi làm thì phải có chế độ ưu đãi hơn những lao động bình thường khác. 

Không tận dụng F1 đi làm thì lãng phí nguồn nhân lực

Hiện nay, toàn ngành Hoá chất Việt Nam có hơn 20.000 NLĐ. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã hỗ trợ hơn 3.280 NLĐ (trong đó có 1.117 trường hợp F0, 321 F1 và 1.848 F2 trong vùng phong tỏa) với tổng số tiền là số tiền 3,9 tỉ đồng. Ngoài ra, công đoàn còn hỗ trợ bữa ăn ca cho NLĐ làm việc  “3 tại chỗ” số tiền là 5.517 tỉ đồng. Tính đến 1.3.2022, tổng số tiền công đoàn ngành Hoá chất hỗ trợ NLĐ ảnh hưởng của dịch COVID-19 là gần 10 tỉ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Huy Thông - Chủ tịch Công đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam - cho hay, đề xuất của Bộ Y tế là phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.

“Hiện nay nhiều đơn vị đang rất thiếu nhân lực làm việc do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó nhiều F0 không có triệu chứng, F1 cũng phải nghỉ để cách ly - trong khi đó gần như 100% NLĐ đã được tiêm vaccine từ 2 đến 3 mũi - do vậy rất lãng phí nguồn lực. Theo cá nhân tôi, đối với những F0 không có triệu chứng làm việc ở khối văn phòng thì nên cho phép được đi làm hoặc làm việc trực tuyến. Khi đó người sử dụng lao động cần bố trí cho các F0 vị trí việc làm phù hợp nhằm hạn chế tiếp xúc với người xung quanh và trên tinh thần tự nguyện của các F0. Còn đối với F1, nếu đi làm thì cũng phải tính đến môi trường làm việc có đông người hay không và các đối tượng F1 phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc 5K để trách lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh 

lao động (Tổng LĐLĐVN): F0 không triệu chứng có thể làm việc trực tuyến

Đến nay, sau hơn hai năm đại dịch COVID-19 hoành hành, phần lớn thế giới đã dỡ bỏ các hạn chế ngăn COVID-19 để sống chung với đại dịch, tuy vậy các đợt bùng phát vẫn gây ảnh hưởng nặng nề ở nhiều nơi. Cách tiếp cận mở cửa của đa số các quốc gia dựa trên thực tế là vaccine đang giúp chúng ta bảo vệ người dân khỏi những diễn biến nặng và tử vong. Hiện nay, Việt Nam đã tiêm hơn 198,3 triệu liều vaccine và trở thành 1 trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới...  

Thực tế hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới và từng bước trở lại cuộc sống bình thường mới, coi dịch COVID-19 là một loại bệnh đặc hữu. Và với tỉ lệ người mắc bệnh có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng nhiều, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để các ca F0 tiến hành các công việc theo hình thức trực tuyến nếu sức khỏe của người đó đảm bảo làm việc tỉnh táo, vừa với sức khỏe. Ngay như một số nơi làm việc, tiến tới nếu người nhiễm COVID-19 không phải tiếp xúc với người khác (phòng riêng, khu vực riêng) và thực hiện tốt các biện pháp phòng lây nhiễm, cũng có thể thực hiện một số công việc khi đảm bảo sức khỏe.

Thực tế qua việc bỏ các biện pháp giãn cách ở nhiều quốc gia, nhiều người F0 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ và các F1 sau khi đã test âm tính có thể đến nơi làm việc, nhưng đảm bảo các F0 không tiếp xúc; F1 chỉ tiếp xúc với F1 mà không tiếp xúc với người không nghi bị lây nhiễm... 

Việc NLĐ bị F0 có triệu chứng, gây mệt mỏi, cần chăm sóc, hoặc tự điều trị thì phải hạn chế tiếp xúc, có các biện pháp chăm sóc, điều trị tốt để tránh diễn biến nặng và gây hậu quả lâu dài.

Khi bố trí các F1, hay thậm chí một số F0 đi làm, doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần có những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bổ sung, như thông gió theo luống, phân khu, hạn chế xâm lấn giữa các không gian làm việc, bổ sung các vách ngăn mềm… đồng thời với tăng cường nhắc nhở, giám sát để NLĐ tuân thủ tốt các biện pháp phòng lây nhiễm. Còn đối với NLĐ hãy luôn tự nhủ một điều, mình có thể là nguồn lây nhiễm cho bất kỳ ai, do đó mọi người vẫn cần áp dụng các biện pháp phòng chống COVID-19 để hạn chế tăng số ca lây nhiễm, tạo ra những sức ép cho hệ thống y tế cũng như cơ quan, doanh nghiệp và gây những bất tiện không cần thiết cho gia đình, người thân. Hà Anh ghi


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn