MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nên xử phạt doanh nghiệp can thiệp vào việc sử dụng kinh phí công đoàn

Phương Ngân - Nam Dương LDO | 11/10/2022 17:47

TPHCM - Chiều 11.10, Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức hội nghị góp ý 10 năm thực hiện Luật Công đoàn 2012. Hội nghị có sự tham gia trên 20 cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở TP Thủ Đức và các quận, huyện, Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM.

Hội nghị nhằm lắng nghe ý kiến, góp ý của cán bộ công đoàn nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chung về tổ chức và hoạt động cho tổ chức Công đoàn trước sự hội nhập quốc tế và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hội nghị góp ý 10 năm thực hiện Luật Công đoàn 2012 do LĐLĐ TPHCM tổ chức chiều 11.10. 

Theo đại diện Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM, qua 10 năm thực hiện Luật Công đoàn, đã khẳng định được vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức lao động, tạo niềm tin, sự gắn bó mật thiết của đoàn viên, người lao động với tổ chức công đoàn, tạo động lực nâng cao năng suất lao động, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần vào sự phát triển chung của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc thực hiện Luật Công đoàn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp dân doanh, người sử dụng lao động còn cản trở người lao động gia nhập, thành lập và hoạt động công đoàn vì cho rằng, đơn vị phải chi phí tốn kém bảo đảm cơ sở vật chất cho công đoàn hoạt động, trả lương cho cán bộ công đoàn trong thời gian nghỉ làm việc để hoạt động công đoàn. Nhiều doanh nghiệp phân biệt, đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc nhằm cản trở việc tham gia hoạt động công đoàn của người lao động…

Ông Phạm Văn Hiền - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất và Công nghiệp TPHCM - cho biết, Luật Công đoàn 2012 tuy có quy định về thời gian làm việc của cán bộ công đoàn, nhưng chưa quy định nơi làm việc của công đoàn trong doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp còn chưa tuân thủ quy định về thời gian làm việc của cán bộ công đoàn được quy định trong Luật Công đoàn.

“Ngoài ra, có một số doanh nghiệp không đóng kinh phí công đoàn 2% như luật định, hoặc có đóng nhưng tìm cách gây khó khăn cho công đoàn cơ sở sử dụng kinh phí này. Do đó, nếu sửa luật cần quy định rõ việc nếu can thiệp vào sử dụng kinh phí công đoàn thì sẽ bị xử phạt” - ông Hiền kiến nghị.

Đồng tình với ý kiến này, ông Phạm Văn Tài - Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp - nhận định, ở doanh nghiệp nếu có cán bộ công đoàn chuyên trách thì quan hệ lao động rất ổn định. Dẫn chứng từ một doanh nghiệp trên địa bàn quận Gò Vấp từng xảy ra nhiều tranh chấp lao động nhưng sau khi có cán bộ công đoàn chuyên trách thì không còn tình trạng tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể. Vì thế, theo ông Tài, cần có lộ trình bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách ở những doanh nghiệp có đông lao động.

Kết luận hội nghị, đại diện LĐLĐ TPHCM trân trọng cảm ơn những ý kiến tham gia phát biểu tâm huyết, xuất phát từ thực tiễn của các cán bộ công đoàn đã tập trung vào những vấn đề trọng tâm với mong muốn cần có sự đổi mới các quy định của Luật Công đoàn nhằm phát huy, nâng cao hiệu quả của tổ chức công đoàn trong thời kỳ đổi mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn