MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nếu có thêm ngày nghỉ, công nhân sẽ thường xuyên về quê

BẢO HÂN - ĐỨC LONG LDO | 31/10/2019 16:06

“Nếu có được 2 ngày nghỉ cuối tuần, tôi sẽ thường xuyên về quê hơn. Chứ hiện giờ, chỉ được 1 ngày thì đi, về quá gấp. Nếu muốn nghỉ thêm lại phải viết đơn xin nghỉ phép, rất phiền phức và thiệt thòi đến quyền lợi của mình” - chia sẻ của một nữ công nhân với phóng viên Báo Lao Động.

Chị Nguyễn Thị Y - công nhân (CN) đang làm việc tại 1 doanh nghiệp (DN) may ở KCN Đình Trám (tỉnh Bắc Giang) - bày tỏ đồng tình với đề xuất giảm thời giờ làm việc từ 48 giờ xuống còn 44 giờ/tuần. Bởi điều đó đồng nghĩa chị được nghỉ ngày thứ 7, có thời gian để về với gia đình hoặc đi đâu đó chơi. Hiện nay, chị Y chỉ có một ngày nghỉ là chủ nhật trong tuần, vì vậy, mặc dù quê chị không phải quá xa nơi làm việc (quê ở Lạng Sơn), chị vẫn chỉ dám 1 tháng về thăm bố mẹ 1 lần.

“Chưa có gia đình, nên đi làm như thế này, tôi rất nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Nếu có được 2 ngày nghỉ cuối tuần, tôi sẽ thường xuyên về quê hơn. Chứ hiện giờ, chỉ được 1 ngày thì đi, về quá gấp; nếu muốn nghỉ thêm lại phải viết đơn xin nghỉ phép, rất phiền phức và thiệt thòi đến quyền lợi của mình. Ngoài ra, có thêm ngày nghỉ, tôi có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục lại sức khỏe sau một tuần làm việc vất vả; có thời gian đi chơi, tìm hiểu bạn đời để có được hạnh phúc sau này. Chứ nếu cứ quần quật ở trong nhà máy suốt tuần, ít thời gian nghỉ, sức khỏe không đảm bảo”- chị Y tâm sự.

Tuy nhiên, theo chị Y, thời giờ làm việc giảm, nhưng thu nhập vẫn cần phải đảm bảo cho đời sống của người lao động (NLĐ). Có như vậy, việc giảm thời giờ làm việc mới có ý nghĩa. Hiện nay, thu nhập của chị một tháng, tính cả làm thêm chỉ ở mức 6-7 triệu đồng/tháng. Để có được số tiền trên, chị phải làm thêm nhiều, thường xuyên phải về muộn.

“Khi nghe Tổng LĐLĐVN đề xuất Quốc hội giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần, không chỉ riêng tôi mà các CN trong bộ phận cũng như trong khu đều rất phấn khởi. Đề xuất này phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Phụ nữ chúng tôi còn thiên chức làm mẹ. Nếu sinh 2 con, sức khỏe giảm đi rất nhiều. Chúng tôi vừa đi làm, vừa chăm sóc gia đình, lao động nữ gần như không còn đủ thời gian để chăm sóc sức khỏe bản thân. Đặc biệt, công nhân ngành dệt may, da giày khoảng 40, 45 tuổi thì sức khỏe đã giảm sút rất nhiều, nên có thêm thời gian nghỉ ngơi là rất tốt. Chúng tôi rất mong muốn Quốc hội thấu hiểu được cuộc sống, tâm tư nguyện vọng của CNLĐ” - chia sẻ của chị Võ Thị Yến, CN kỹ thuật, Khu D, Công ty TNHH PouYuen, quận Bình Tân, TPHCM.

“Thông tin về việc sửa đổi Bộ luật Lao động rất được CNLĐ quan tâm vì tác động trực tiếp đến đời sống, việc làm của chúng tôi, đặc biệt là những vấn đề như tăng tuổi nghỉ hưu, tăng ngày nghỉ, tăng giờ làm thêm, giảm giờ làm…” - chị Nguyễn Thị Hồng Phương, chuyền may 37, Cty TNHH may mặc Triple Việt Nam, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh cho biết.

Chị Phương nói rằng, đối với CN làm nghề may trực tiếp, dù công ty có quan tâm, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhưng đa phần đều không mong muốn phải tăng giờ làm thêm, mà ngược lại được giảm giờ làm, tăng thêm ngày nghỉ. Hiện nay, số ngày nghỉ hưởng lương của NLĐ ít, nên nếu có thêm ngày nghỉ và giảm giờ làm, CN sẽ có thêm thời gian tái tạo sức lao động, chăm lo cho gia đình, con cái.

“Đặc biệt, về tuổi nghỉ hưu, cá nhân tôi và các đồng nghiệp đều không mong muốn phải tăng tuổi nghỉ hưu vì công việc hiện nay đã vất vả, ít người làm đủ đến khi nghỉ hưu. Do đó, nếu có tăng tuổi nghỉ hưu thì cũng đừng nên tăng với NLĐ trực tiếp sản xuất, đặc biệt trong những ngành nghề của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn Quốc hội lắng nghe ý kiến, tâm tư của NLĐ để được bảo đảm quyền lợi trước khi bấm nút thông qua luật” - chị Phương kiến nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn