MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Đức Nhân (thứ hai từ phải sang) - Chủ tịch Công đoàn cơ sở trao quà hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: CĐCS

Nếu giữ nguyên mức lương tối thiểu như hiện nay thì coi như lương bị giảm

Kiều Vũ LDO | 16/12/2023 11:59

Hà Nội – Trao đổi với Báo Lao Động về lương tối thiểu vùng, cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và cán bộ Công đoàn cơ sở đều khẳng định, cần phải tăng để giảm bớt khó khăn cho công nhân lao động.

Hiện Thành phố Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348ha, vốn đầu tư hạ tầng trong khu công nghiệp là 139 triệu USD và trên 6.000 tỉ đồng.

Các khu công nghiệp thu hút 708 dự án thứ phát đang hoạt động, trong đó có 301 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đăng ký trên 6,6 tỉ USD; 407 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký gần 26.000 tỉ đồng; tạo việc làm cho 172.033 người. Thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam từ 5,5 đến trên 6 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Nguyễn Công Kỷ - Phó Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, người lao động đi làm việc đều nhằm mục tiêu được nhận lương hàng tháng. Lương tối thiểu vùng chính là cơ sở để các doanh nghiệp trả lương cho người lao động.

Năm 2023, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng do hệ luỵ của dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng dẫn đến nhiều người lao động bị thiếu việc làm, bị giảm lương, ảnh hưởng đến thu nhập.

Vì vậy, người lao động cần được tăng lương để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Mặt khác, lương tối thiểu vùng là căn cứ để doanh nghiệp trả và tăng lương cho người lao động. Nếu lương tối thiểu vùng không tăng thì rất khó để yêu cầu doanh nghiệp tăng lương.

Ông Nguyễn Công Kỷ - Phó Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Ảnh: Kiều Vũ

Phân tích về sự cần thiết phải tăng lương tối thiểu vùng, ông Nguyễn Đức Nhân – Phó phòng kỹ thuật, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Điện tử ASTI Hà Nội (Khu công nghiệp Quang Minh) bày tỏ suy nghĩ: Tăng lương hằng năm là việc làm cần thiết cho người lao động, cũng như thúc đẩy mối quan hệ hài hòa trong doanh nghiệp.

Khi giá cả thị trường có sự điều chỉnh tăng, lạm phát mỗi năm vẫn có thì việc tăng mức thu nhập cho người lao động là cần thiết. Nếu cứ giữ nguyên mức lương hiện tại thì qua mỗi năm, lương của công nhân viên coi như bị giảm đi.

“Nên việc tăng lương là cần thiết” – ông Nhân nhấn mạnh.

Ông Nhân chia sẻ thêm: Một số công ty hiểu được và quan tâm đến người lao động thì họ sẽ tự động tăng lương cho công nhân theo từng năm, còn một số công ty đưa ra lý do khó khăn và không tăng lương cho công nhân. Vì vậy, mong muốn cơ quan nhà nước đưa ra mức lương tối thiểu vùng để các công ty làm căn cứ, tham khảo tăng lương cho người lao động nhằm đáp ứng mức sống tối thiểu cho người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa trong doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn