MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nếu thu nhập ổn, công nhân miền Tây không ai nỡ bỏ quê

PHONG LINH - MỸ LY LDO | 06/10/2023 09:15

Tình hình thiếu hụt đơn hàng khiến nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, rút ngắn giờ làm... Tuy nhiên, với một số công nhân miền Tây, nếu chính sách, thu nhập ổn thì họ vẫn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp chờ khởi sắc chứ không nỡ rời quê.

This browser does not support the video element.

Công ty May Đức Thành (tỉnh An Giang) cố gắng duy trì sản xuất để giữ chân người lao động.

Thấy đủ sẽ không đi

Mỗi lần khăn gói từ huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) để trở về Hậu Giang làm việc là một lần nữ công nhân Ông Hồng Thư (47 tuổi) rơi nước mắt. Chị khóc vì nhớ quê, vì xa quê nhưng vẫn chưa khá lên nổi.

"Theo con gái học đại học lên đây, vợ chồng tôi ròng rã làm công nhân ở Hậu Giang 4 năm mong có được số tiền dư dả về quê, nào ngờ đến nay nhìn lại cũng chẳng có gì ngoài số tiền đóng bảo hiểm xã hội. Hiện tại, công ty lại thiếu đơn hàng nên tôi khá nản. Tôi dự định sau Tết sẽ về lại quê nhà và làm nghề buôn bán tạp hóa" - chị Thư nói.

Hình ảnh sản xuất tất bật tại Công ty May Đức Thành (tỉnh An Giang) giữa làn sóng cắt giảm lao động. Ảnh: Phong Linh

Trong khi đó, chị Phan Thị Kim Thùy - công nhân Công ty May Đức Thành (tỉnh An Giang) - chia sẻ: “Người ta lên thành phố làm việc kiếm được nhiều tiền, tôi cũng ham nhưng rồi thấy cảnh công nhân xa quê, nhớ quê nên tôi không nỡ đi. Tôi nghĩ, giữa tình hình kinh tế khó khăn, nếu công ty trả cho công nhân thu nhập đủ ổn thì họ có thể ở lại làm việc, không ai nỡ xa quê".

Cũng theo chị Thùy, mặc dù hiện tại hàng hóa của công ty không đủ nhiều nhưng ban giám đốc vẫn xoay sở cơ hội cho công nhân sản xuất, đồng thời tổ chức Công đoàn cũng có hỗ trợ thiết thực để công nhân đỡ tủi thân.

Gần 15 năm gắn bó với công ty, chị Lê Thị Chưa - công nhân Khu công nghiệp Trà Nóc (TP Cần Thơ) - chưa từng có ý định nghỉ việc. Chị Chưa tâm sự: “Những lúc công ty sụt giảm đơn hàng, không có việc làm, nhiều đồng nghiệp đã chọn rời đi để lên TP.HCM, Bình Dương… làm vì thu nhập cao hơn. Nhưng với tôi, thu nhập ở công ty hiện tại dù không cao như những nơi đó, song đã đủ ổn định với mức sống tại Cần Thơ. Hơn thế, làm ở đây, tôi được ở gần con cái. Cho nên, chỉ cần thu nhập đủ đáp ứng cuộc sống, tôi sẽ tiếp tục gắn bó với công ty”.

Chờ thị trường lao động khởi sắc

Có thể nói, số lao động mất việc làm, thiếu việc làm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng gia tăng từ sau đợt dịch COVID-19 năm 2021. Điều này kéo theo làn sóng lao động ồ ạt trở về quê nhà và đến nay vẫn còn tiếp diễn.

Trong số những lao động từ TP Hồ Chí Minh về Cần Thơ "tránh bão", anh Nguyễn Văn Dứt (huyện Phong Điền) đang gặp cảnh bấp bênh. Anh Dứt kể: "Vợ tôi mất trong dịch bệnh COVID-19, lại gặp lúc kinh tế khó khăn nên cha con tôi về quê sinh sống. Tôi mong tình hình khá lên, công ty ở đây ổn định thì sẽ xin việc làm để lo cho con ăn học".

Anh Dứt và con vui mừng được nhận quà tại Cần Thơ. Ảnh: Phong Linh

Khá hơn anh Dứt là hoàn cảnh của anh Nguyễn Văn Đông (quận Bình Thủy). Sau khi về đất Tây Đô, vợ chồng anh tích góp tiền và vay mượn bà con để buôn bán cá sống sinh sống.

"Hiện tại, hai con tôi vẫn còn ở Bình Dương và giờ làm việc cũng bị giảm nhiều. Tôi hy vọng trong năm tới nếu công ty ở Cần Thơ tuyển dụng, tôi sẽ gọi con trở về vì xa quê làm việc quá rủi ro" - anh Đông cho hay.

Vừa qua, tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của UBND thành phố Cần Thơ vào ngày 3.10, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ - nhận định, doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của các yếu tố như chi phí sản xuất, nhân công, vận chuyển tăng. Tình hình doanh nghiệp sụt giảm hoặc không có đơn hàng sản xuất kéo theo tình trạng người lao động mất việc làm, giảm thu nhập.

Số lao động thôi việc, mất việc của các doanh nghiệp trong quý III/2023 là hơn 3.700 người, trong đó, lao động phổ thông hơn 2.200 người; lao động có tay nghề, được đào tạo chuyên môn kỹ thuật hơn 1.500 người…

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã yêu cầu các ngành khẩn trương quán triệt nghiêm túc, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn