MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành hàng không lao đao vì dịch COVID-19. ảnh: ĐT

Ngành hàng không lên kế hoạch giảm từ 20-40% lương

Đặng Tiến LDO | 09/03/2020 07:51

Dịch COVID-19 đã khiến hầu hết ngành nghề, lĩnh vực đều lao đao và phải thay đổi dự báo kế hoạch tăng trưởng năm. Trong đó, ngành vận tải hàng không chịu thiệt hại nặng nề nhất, khiến đời sống của người lao động (NLĐ) cũng bị ảnh hưởng. Một số hãng hàng không đã lên kế hoạt giảm lương NLĐ, nhất là khối lao động cao cấp lên đến 40%.

“Kéo lùi” ngành hàng không

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) dự báo tăng trưởng của ngành này năm 2020 đạt khoảng 4,7%. Nhưng dịch bệnh bùng phát làm hoạt động sản xuất kinh doanh bị khủng khoảng. Hàng loạt hãng hàng không phải cắt giảm các chuyến bay khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.

Tại Việt Nam, ngành Hàng không được đánh giá là lĩnh vực chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất trong các lĩnh vực vận tải do tác động của dịch COVID-19. Không chỉ thị trường Trung Quốc, nhiều thị trường khác như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu (EU), Mỹ… cũng bị ảnh hưởng nên các hãng hàng không phải chủ động xây dựng những phương án để giảm bớt phần nào những khó khăn trước mắt.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, thị trường Trung Quốc đang chiếm khoảng hơn 18% thị trường quốc tế. Riêng với các hãng hàng không trong nước, thị trường này chiếm tới 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế. Việc dừng khai thác thị trường Trung Quốc khiến các hãng hàng không Việt Nam đối mặt với việc mất doanh thu của trung bình 400.000 khách/tháng. Chưa kể đến lượng khách này từ các đường bay nội địa. Cục Hàng không Việt Nam dự báo, các hãng hàng không trong nước thiệt hại khoảng trên 25.000 tỉ đồng.

Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hãng hàng không duy trì hoạt động khai thác, vượt qua khó khăn trong gian đoạn này, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế giảm giá dịch vụ hàng không do nhà nước quản lý (giá dịch vụ điều hành bay đi/đến, hạ cất cánh) cũng như chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không có những biện pháp giảm giá, phí cho các hãng hàng không Việt Nam.

Ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) - cho hay,  dịch COVID-19  đã “kéo lùi” ngành hàng không chậm lại 3-4 năm. Cùng với đó, nhiều hợp đồng đã phải huỷ bỏ nên tích lũy của Vietnam Airlines từ 4-5 năm trước coi như về số không. Vì không có khách, các hãng buộc phải cắt giảm và dừng bay trên nhiều tuyến. Riêng Vietnam Airlines có 100 chiếc máy bay thì hiện 40 máy bay phải nằm chờ. Đại diện Vietnam Airlines cho rằng, dịch bệnh ảnh hưởng tới hàng không và du lịch đầu tiên, trực tiếp ngay lập tức. Đánh giá ban đầu cho thấy, dịch COVID-19 gây ảnh hưởng xấu kéo dài đến hết tháng 5 và sang mùa hè mới dần dần phục hồi.

Kế hoạch giảm từ 20 đến 40% lương

Cũng theo ông Dương Trí Thành, Vietnam Airlines có trên 20.000 lao động đang bị ảnh hưởng vì COVID-19. Hãng phải đưa ra các giải pháp chưa từng có tiền lệ để giải quyết. Một trong những giải pháp trước mắt là sẽ giảm lương từ lãnh đạo cấp cao trong Hội đồng quản trị (lãnh đạo TCty giảm 40%, cấp dưới hơn là 30%, dưới nữa là 20%). Riêng nhân viên chưa áp dụng giảm lương ngay, nhưng sẽ nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương.

Với lao động nước ngoài làm việc cho hãng, trước mắt Vietnam Airline đã làm việc để phi công người nước ngoài (nhóm có điều kiện riêng và mức lương cao) sẽ nghỉ không lương trong khoảng 2 tuần, NLĐ Việt Nam làm tại nước ngoài nghỉ khoảng 2 tuần đến 1 tháng.

Ông Tạ Thiên Long - Chủ tịch Công đoàn Hàng không Việt Nam - nói rằng, ngay từ khi có dịch, các cấp Công đoàn ngành hàng không đã chủ động nắm bắt tư tưởng để tuyên truyền về dịch, cách phòng chống dịch và tham gia cùng chuyên môn để ban hành chủ trương chính sách để NLĐ cùng hiểu, chia sẻ những khó khăn với đơn vị. Do đó, các thông tin, chính sách đưa ra được NLĐ ủng hộ và phù hợp với điều điều kiện sản xuất kinh doanh (SXKD).

Cũng theo ông Long, dịch bệnh đã ảnh hưởng sâu sắc toàn diện đến hoạt động SXKD của ngành hàng không. “Những năm trước vào thời điểm SXKD thấp điểm thì tập trung cho công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực, nghiệp vụ. Nhưng năm nay do dịch bệnh phải chuyển hướng triển khai thực hiện” - ông Long cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn