MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động tìm kiếm việc làm. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Ngành nào sẽ thiếu hụt trầm trọng lao động?

ANH THƯ LDO | 20/08/2022 08:37
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, một số ngành đang dự báo là sẽ thiếu hụt trầm trọng nguồn lao động chất lượng cao, như lĩnh vực tài chính, công nghệ thông tin, logistic…

Kết quả từ báo cáo về tình hình thị trường lao động trong năm 2022 do VietnamWorks vừa công bố cũng cho thấy, theo thống kê, có tới 86,4% doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong hoạt động tuyển dụng, mà nguyên nhân chính đến từ việc nhân viên chủ động nghỉ việc hoặc phục hồi nhân sự từ một lượng lớn bị cắt giảm trong giai đoạn căng thẳng bởi dịch bệnh.

Chính điều này khiến cho doanh nghiệp luôn trong trạng thái “khát” nhân sự ở mức báo động khi đã phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Có đến 40,8% doanh nghiệp có tỉ lệ nhân viên từ chức ở mức tăng 10 - 20% và 31,5% doanh nghiệp đạt mức tỉ lệ thiếu hụt lao động dưới 10%, hơn 12% doanh nghiệp có tỉ lệ nhân viên chủ động nghỉ việc lên đến 30 - 40%.

Nhìn chung đây được xem là những con số khá lớn, cho thấy rằng, thiếu hụt nhân sự khi tình hình kinh tế đang trên đà phục hồi và phát triển trở lại sẽ là bài toán nan giải cho những doanh nghiệp đang cần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thị trường tuyển dụng đang mất cân bằng cung cầu khi mức thiếu hụt nhân lực tại các khu vực trọng điểm ở các thành phố lớn tăng cao, cụ thể tại TP. \HCM và Hà Nội đạt mức tỉ lệ thiếu hụt lần lượt là 22,45% và 14,87% so với nhu cầu tuyển dụng hiện tại của doanh nghiệp cần thêm 10% - 20%.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, đến nay, quy mô lao động đã dần phục hồi, với khoảng 51,4 triệu người. Đặc biệt, trong các lĩnh vực, địa bàn gặp khó khăn trong đại dịch thì hiện nay mức độ phục hồi tương đối tốt.

Riêng về ngành du lịch, dịch vụ có khoảng 19,2 triệu người, bình quân mỗi quý tăng 900.000 người lao động trong vòng 3 quý gần đây. Tỉ lệ thất nghiệp giảm đi, tỉ lệ có việc làm bền vững, việc làm thỏa đáng tăng lên.

Tuy nhiên, thị trường lao động chưa bền vững. Tỉ lệ người lao động có việc làm bền vững, việc làm thỏa đáng chưa cao, đời sống của một bộ phận người lao động, nhất là công nhân phải thuê nhà trọ, công nhân và những người lao động khu vực dịch vụ còn bấp bênh.

Tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ đang diễn ra, nhất là những ngành, nghề, lĩnh vực yêu cầu trình độ cao.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, cần có các chính sách rất bài bản, căn cơ trong việc đào tạo nguồn lao động, xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập.

Vì vậy, trong quý 3 và 4, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn, các cuộc đào tạo, tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo, tập trung đào tạo một cách căn bản, căn cơ ở trong một số ngành, lĩnh vực.

Nhất là ở một số ngành đang dự báo là sẽ thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, như lĩnh vực tài chính, công nghệ thông tin, logistic,… Bên cạnh đó, tập trung chuyển dịch nhanh lực lượng lao động phi chính thức sang chính thức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn