MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Lê Thị Hiền, nguyên Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Dệt thuộc Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội chi nhánh Hà Nam phản ánh sự việc với phóng viên Báo Lao Động. Ảnh: Hà Anh

Ngày 8.3 buồn của nữ công nhân bị nợ bảo hiểm xã hội

Hà Anh LDO | 08/03/2024 06:48

“Đến ngày Quốc tế phụ nữ 8.3 mà chúng tôi cảm thấy rất buồn vì chúng tôi không được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình sau bao năm gắn bó với công ty” - đó là chia sẻ của bà Lê Thị Hiền, nguyên Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Dệt thuộc Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội, chi nhánh Hà Nam (Công ty Dệt 19.5).

Người lao động quá thiệt thòi

Ngày 7.3, bà Lê Thị Hiền buồn rầu thông báo với phóng viên Báo Lao Động: “Chúng tôi đang rất buồn và tuyệt vọng dù đang trong dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3”.

“Do Công ty Dệt 19.5 nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động (NLĐ) kéo dài, với số tiền gần 14 tỉ đồng nên từ năm 2022 đến nay, chúng tôi đã gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam… nhưng sự việc vẫn “giậm chân tại chỗ” - khiến đời sống, việc làm của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, ngày 28.12.2023, chúng tôi nhận được thông tin, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Duy Tiên đã thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Duy Tiên đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc có dấu hiệu trốn đóng BHXH cho NLĐ, theo quy định tại Khoản 1, Điều 157, Bộ luật Tố tụng hình sự (không có sự việc phạm tội). Sau khi nhận được thông tin trên, chúng tôi rất “sốc” và tuyệt vọng” - bà Hiền buồn bã nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, NLĐ bị ảnh hưởng quyền lợi do Công ty Dệt 19.5 nợ BHXH đều gắn bó với nhà máy rất nhiều năm - người nhiều nhất là 17 năm, người ít nhất cũng 7-8 năm.

Chị Trịnh Thị Thùy Dương (SN 1985, xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là một trong những NLĐ gắn bó cả thanh xuân với Công ty Dệt 19.5 (17 năm - PV) cho biết: “Những năm trước đây, khi công ty gặp khó khăn, ông Đỗ Văn Minh - Tổng Giám đốc Công ty Dệt 19.5 luôn gặp gỡ, động viên NLĐ gắn bó cùng doanh nghiệp và chúng tôi đã đồng hành cùng công ty vượt khó, ra sức lao động...

Nhưng từ năm 2019 công ty không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho chúng tôi - trong khi đó hàng tháng vẫn trừ tiền lương của NLĐ; đến nay số tiền công ty nợ vẫn là hơn 14 tỉ đồng! Quá khó khăn tôi đã từng phải đi làm phụ hồ, bán xôi để có tiền nuôi 3 con, trong khi chồng tôi đã mất do tai nạn”.

Theo bà Lê Thị Hiền, việc Công ty Dệt 19.5 nợ BHXH đã khiến quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó có những NLĐ đã không được chốt sổ về hưu; không được đóng nối BHXH; không có thẻ BHYT, dẫn đến khi mắc bệnh không được hưởng chế độ BHYT, chi phí khám chữa bệnh rất tốn kém; không được hưởng BHTN…

“Trong khi quyền lợi của NLĐ bị thiệt thòi quá nhiều trong suốt một thời gian dài - từ năm 2019 đến nay, tuy nhiên lãnh đạo Công ty Dệt 19.5 vẫn “bình an vô sự” đã khiến nhiều người bức xúc, bất ổn về tâm lý, sinh bệnh tật… Hiện nay, chúng tôi vừa lo lắng vừa lúng túng khi không biết phải bấu víu, kêu cứu ở đâu” - bà Hiền chán nản nói.

Công ty Dệt 19.5 không thực hiện quyết định xử phạt của UBND tỉnh Hà Nam

Theo BHXH thị xã Duy Tiên (Hà Nam), tính đến hết ngày 3.3.2024, Công ty Dệt 19.5 còn nợ số tiền BHXH, BHYT, BHTN… là hơn 14 tỉ đồng. Trong đó nợ BHXH là hơn 9,5 tỉ đồng; nợ BHYT là hơn 510 triệu đồng; nợ BH thất nghiệp gần 600 triệu đồng…

Ngày 7.3, ông Nguyễn Thế Anh - Phó Giám đốc BHXH thị xã Duy Tiên (Hà Nam) - cho biết, BHXH thị xã thường xuyên làm việc, đôn đốc giám đốc, cán bộ chuyên môn của Công ty Dệt 19.5 yêu cầu đơn vị nộp tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN… để cơ quan BHXH thị xã chốt sổ BHXH cho NLĐ đã nghỉ việc, giải quyết chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, dưỡng sức cho NLĐ theo đúng quy định, tuy nhiên đơn vị vẫn không thực hiện việc nộp tiền chậm đóng, nợ BHXH, BHYT, BHTN theo đúng nội dung cam kết tại các biên bản làm việc và biên bản cam kết mà Công ty Dệt 19.5 gửi BHXH tỉnh Hà Nam, BHXH thị xã Duy Tiên. Do đó quyền lợi của NLĐ không được giải quyết kịp thời.

“Hành vi không đóng BHXH cho NLĐ của Công ty Dệt 19.5 đã được luật hóa tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015. Và BHXH thị xã Duy Tiên đã cung cấp hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Duy Tiên tiến hành điều tra, xem xét khởi tố Công ty Dệt 19.5 theo Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015” - ông Nguyễn Thế Anh chia sẻ.

Theo đại diện BHXH thị xã Duy Tiên, ngày 4.7.2022, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam ban hành Quyết định số 1328/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính về BHXH đối với Công ty Dệt 19.5 tại Hà Nam số tiền 150.000.000 đồng. Tuy nhiên, đến ngày 7.3.2024, lãnh đạo Công ty Dệt 19.5 vẫn chưa đóng tiền phạt!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn