MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngày 8.3: Không mong hoa, chỉ mong dịch bệnh qua mau, công việc ổn định

ĐÌNH TRỌNG LDO | 07/03/2021 14:08

Ngày 8.3 là dịp được tôn vinh, nhưng với nữ công nhân, người lao động tự do tại Bình Dương xem đó như những ngày bình thường. Tất cả đều mong muốn dịch bệnh qua mau, công việc được ổn định, có thêm thu nhập để cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Ngày lễ như mọi ngày

Ngày 7.3, tại Thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, chị Tăng Thị Hồng Xuân (43 tuổi, quê Tiền Giang) một mình dọn dẹp lại căn phòng nhỏ chưa đầy 10m2 cho ngăn nắp trở lại. Chị đã gắn bó suốt 5 năm với không gian nhỏ hẹp này từ khi vào làm công nhân may ở khu công nghiệp Sóng Thần. Căn phòng không có đồ đạc tài sản gì đáng giá, chỉ có chiếc ti vi đã cũ, nồi nấu ăn và một chiếc quạt. Mỗi ngày, buổi sáng chị Xuân vào khu công nghiệp làm việc và tối đến trở về phòng trọ nghỉ ngơi lấy sức để đi làm tiếp.

Cuộc sống vật chất tối giản và đời sống tinh thần giản dị. Chị Xuân đi làm, chi tiêu chắt chiu cố gắng mỗi tháng dư được 3 triệu đồng để gửi về quê lo cho chồng đau bệnh và các con là vui rồi.

Nhắc đến ngày 8.3, chị Xuân chia sẻ: "Cũng như mọi ngày thôi, tôi vẫn đi làm bình thường. Chồng con và người thân ở quê cả nên tối đi làm về chỉ có ti vi làm bạn, xem thời sự và xem phim một lát rồi đi ngủ. Tôi không hề nghĩ phải có hoa và quà của chồng con".

Ngày 8.3, chị Hồng Xuân không mong có hoa và quà của chồng con, chỉ mong công việc ổn định. Ảnh: Đình Trọng
Tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, tranh thủ ngày nghỉ chủ nhật, chị Nguyễn Thị Hương (34 tuổi, cùng quê Hòa Bình) dọn dẹp lại chỗ trọ và giặt đồ cho các con. Từ khi lập gia đình, rồi có 2 con, ngày 8.3 đối với chị cũng như mọi ngày. Sáng sớm dậy lo cho con ăn uống đến lớp rồi đi làm ở công ty, tối về lo cơm nước cho gia đình.

"Những năm trước thu nhập cũng tạm ổn, ông xã thường chở mẹ con đi ăn tiệm trước lễ 8.3. Tuy nhiên, hai năm nay do dịch bệnh, thu nhập giảm sút nhiều, ông xã không chở đi ăn, cũng không có quà. Mình và con gái cũng không lấy đó làm buồn"- chị Hương chia sẻ.

Mong dịch bệnh qua mau, công việc ổn định

Năm 2020, tình hình dịch COVID-19 xảy ra làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại Bình Dương và thu nhập của người lao động... Công ty của vợ chồng chị Hương cũng bị tác động. Giờ làm bị cắt bớt, thu nhập cũng giảm sút. Trước kia, mỗi tháng, hai vợ chồng thu nhập từ 18-20 triệu đồng, tuy nhiên do dịch bệnh nên trong năm 2020 chỉ còn 12-14 triệu đồng.

"Ngày lễ không có mong muốn gì, được ở bên chồng con là vui lắm rồi. Mình chỉ mong dịch bệnh qua mau, công ty của 2 vợ chồng có thêm đơn hàng, hoạt động sản xuất không bị gián đoạn. Công việc ổn định, thu nhập được tăng thêm, để Tết năm 2022 tới đây có thể đưa các con về thăm ông bà nội ngoại như đã hứa"- chị Hương nói.

Ngày 8.3, công việc và cuộc sống của chị Nguyễn Thị Hương vẫn như mọi ngày. Ảnh: Đình Trọng

Cũng với mong muốn giản dị, chị Tăng Thị Hồng Xuân tâm sự: "Năm 2020, do dịch bệnh, tôi phải nghỉ việc không lương hơn 2 tháng. Cuộc sống vì thế cũng bị ảnh hưởng. Năm 2021 chỉ mong dịch bệnh sớm được kiểm soát, công việc của tôi ổn định và có thêm sức khỏe để đi làm có tiền gửi về lo cho chồng con. Con trai năm nay cũng đang học lớp 12, tôi mong con cố gắng theo học hết cấp 3, sau đó lên Bình Dương ở với mẹ vừa đi học nghề vừa đi làm phụ giúp gia đình".

Chung mong ước giản dị, ở TP.Thuận An, tranh thủ ngày nghỉ chủ nhật, nữ công nhân chị Trần Thị Tiến (38 tuổi, quê Hà Tĩnh) vẫn đang miệt mài may những chiếc mũ thể thao để có thêm thu nhập lo cho gia đình.

Chị Tiến cho biết: "Hôm qua được Công đoàn cơ sở công ty tặng quà 8.3 là máy sấy tóc và sữa tắm. Ông xã thì không có quà đâu, tôi quen rồi nên cũng không buồn. Chỉ mong chồng và các con khỏe mạnh là vui rồi. Tôi cũng mong công ty sản xuất ổn định để thu nhập được cải thiện, đời sống đỡ vất vả".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn