MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngày cuối tuần xa xỉ với nhiều người lao động

Mạnh Cường LDO | 18/04/2023 07:27

Có những công việc đặc thù phải làm vào ngày cuối tuần hoặc nghỉ lễ. Điều này đồng nghĩa người lao động phải chịu nhiều thiệt thòi, tạm gác lại việc cá nhân.

Tính chất công việc tuyển dụng công nhân ở quê yêu cầu anh Nguyễn Tiến Đạt (30 tuổi, Nam Định) phải thường xuyên làm việc vào các ngày cuối tuần thậm chí cả ngày lễ. Bởi lúc này, công ty sẽ tổ chức ngày hội tuyển dụng tại các xã để dễ dàng tiếp cận và tư vấn việc làm cho người dân.

Anh Đạt (áo đỏ) thường xuyên vắng nhà vào ngày chủ nhật để hỗ trợ công ty tuyển dụng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Một tháng có 4 ngày nghỉ chủ nhật nhưng phải tổ chức ngày hội tuyển dụng 3 ngày khiến anh không có thời gian cho gia đình. Những lúc như vậy, nam thanh niên chỉ biết cố gắng làm xong thật sớm để còn về với vợ và các con.

"Mặc dù được tính lương gấp đôi ngày thường nhưng nhiều lúc chỉ muốn buông bỏ vì cuối tuần tôi đi biệt tăm" - anh Đạt nói.

Tương tự tình trạng của anh Đạt, anh Nguyễn Cường (28 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) luôn được sếp gọi đi phục vụ công việc vào ngày cuối tuần. Bởi công việc của anh là truyền thông nội bộ, phải đi theo các sự kiện của công ty để lưu lại các bức ảnh và lấy tư liệu truyền thông.

Ngày nghỉ cuối tuần cũng là một điều vô cùng xa xỉ đối với anh Trần Mạnh Hưng (30 tuổi, quận 12, TP.HCM) khi nghĩ về quãng thời gian làm nhân viên sale ôtô trước đây. Với nghề của anh, ngày cuối tuần chính là lúc khách đến xem, mua xe đông nhất.

Khi ký hợp đồng, công ty đã ghi rõ bắt buộc phải làm việc ngày chủ nhật, nghỉ bù vào ngày thứ hai. Bản thân anh đã suy nghĩ rất kỹ, quyết định chọn nghề, quyết định làm ngày cuối tuần nhưng không nghĩ lại có nhiều bất cập như vậy.

Ngày nghỉ cuối tuần vẫn phải đi làm nên anh không có thời gian hẹn hò hay gặp gỡ bạn bè vào ban ngày mà chỉ có thể thực hiện vào buổi tối. Bạn bè vì thế thường mắng anh tham công tiếc việc. Hay những lúc có việc riêng hoặc mẹ ốm bất chợt ngày cuối tuần cũng rất khó khăn để xin nghỉ.

Anh Hưng chấp nhận làm việc chủ nhật và được nghỉ bù vào ngày hôm sau. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tuy vậy, anh Hưng cho rằng, làm ngày cuối tuần vì những ngày này mang lại doanh thu rất lớn. Nếu có thể, anh chỉ mong showroom cho nghỉ linh động ngày chủ nhật hoặc tính thêm tiền thay vì giữ nguyên mức lương như ngày thường.

Chị Nguyễn Thị Hoài (24 tuổi) ngụ tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nhớ lại quãng thời gian làm trong lĩnh vực spa 3 năm trước mà nghẹn ngào: "Tôi đã đánh mất rất nhiều những kỷ niệm đẹp khi không thể nghỉ chủ nhật".

Làm trong lĩnh vực thẩm mỹ nên chị Hoài bắt buộc phải đến spa vào ngày cuối tuần, ngày nghỉ, lễ. Vì những ngày này, khách hàng mới có thời gian tân trang lại sắc đẹp. Đi làm trong khi tất cả mọi người được nghỉ mà còn phải làm vất vả hơn ngày thường, nhiều khi chị chỉ muốn khóc khi tâm sự với mẹ.

Chị Hoài cảm thấy tiếc nuối những kỷ niệm đẹp cùng bạn bè, gia đình khi không thể nghỉ ngày chủ nhật. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngày chủ nhật cũng là quãng thời gian chị Hoài bỏ lỡ nhiều kỷ niệm đẹp và quan trọng nhất. Bạn bè cưới ở quê, giỗ ông, giỗ bà không về được khiến chị rất tủi thân.

"Tôi chỉ được nghỉ khi bản thân cưới, người thân ốm hoặc các công việc hệ trọng" - chị Hoài cho biết.

Vì vậy, sau khi lập gia đình vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, spa không có khách, chị đã xin nghỉ để chuyển sang công việc mới.

Bây giờ đã có con nhỏ, nếu chuyển công việc, chị Hoài cũng khẳng định sẽ không chọn công việc phải đi làm vào thứ 7, chủ nhật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn