MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Ngô Tôn Tẫn - Chủ tịch LĐLĐ Thanh Hoá. Ảnh: Xuân Hùng

"Ngày hội công nhân, phiên chợ nghĩa tình"

Xuân Hùng (thực hiện) LDO | 28/11/2019 16:15

Trong các ngày 29 – 30.11, tại Khu công nghiệp Lễ Môn (TP.Thanh Hoá) sẽ diễn ra chương trình “Ngày hội công nhân, phiên chợ nghĩa tình”. PV Lao Động có cuộc trao đổi với ông Ngô Tôn Tẫn - Chủ tịch LĐLĐ Thanh Hoá về chương trình ý nghĩa này.

Xin ông cho biết ý nghĩa của chương trình “Ngày hội công nhân, phiên chợ nghĩa tình”?

- Trọng tâm hoạt động năm 2019 được Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam xác định là “Năm vì lợi ích đoàn viên”. Mọi hoạt động đều xuất phát từ cơ sở, lấy hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, CNVCLĐ là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp Công đoàn. Trên tinh thần đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo 8 LĐLĐ cấp tỉnh thực hiện chương trình “Ngày hội công nhân, phiên chợ nghĩa tình”. Thanh Hoá là đơn vị được chọn giao thực hiện vì phong trào CNLĐ và hoạt động Công đoàn ở Thanh Hoá luôn đứng hàng đầu cả nước. Đây là hoạt động thiết thực, thể hiện sự đổi mới trong cách làm của các cấp công đoàn.

Chương trình này là dịp tôn vinh người lao động, tạo điều kiện để công nhân lao động có dịp gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, tìm kiếm cơ hội việc làm mới, vui chơi giải trí, mua sắm và hưởng thụ thành quả của chính bàn tay, khối óc mình làm ra. Thông qua chương trình này, tổ chức Công đoàn cũng đồng hành, hỗ trợ cùng DN trong việc giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu và tạo sự gắn kết giữa lãnh đạo DN với CNLĐ. Chính những chương trình thế này thể hiện được rõ năng lực, ý nghĩa thiết thực của hoạt động công đoàn.

Có điểm gì mới của chương trình so các hội chợ khác thưa ông?

- Đây không phải hội chợ thương mại thuần tuý, đây là “phiên chợ” nhưng đậm chất “nghĩa tình”. Đó là cơ hội gắn kết giữa DN với công nhân lao động cũng như với tổ chức Công đoàn, là dịp để hiểu nhau hơn, đồng hành, ủng hộ nhau để cùng phát triển.

Tại phiên chợ này, sẽ có hàng nghìn suất mua hàng với giá không đồng, theo đó, CNLĐ được chọn chỉ cần đưa phiếu sẽ được chọn mua hàng với giá không đồng. Đến thời điểm này đã có 7 DN hỗ trợ 2.310 sản phẩm được bán với giá không đồng cho công nhân, tổng số tiền quy đổi là gần 236 triệu đồng. Đối tượng ưu tiên là phụ nữ thai sản.

Bên cạnh đó, đã có 28 DN tham gia gian hàng và bán các mặt hàng giảm giá từ 5% - 70%. Có 9 DN tham gia gian hàng, đăng ký trao quà hỗ trợ cho đoàn viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh các gian hàng của các DN là 27 gian hàng do LĐLĐ 27 huyện, thị tổ chức. Các sản phẩm được bán tại chương trình chủ yếu là đồ may mặc, thực phẩm, hoá mỹ phẩm, sách, sản phẩm gia dụng và các mặt hàng nông thổ sản truyền thống của các địa phương.

Trong khuôn khổ chương trình còn có nhiều hoạt động hết sức ý nghĩa như hiến máu nhân đạo, thăm khám sức khoẻ, tư vấn pháp luật miễn phí, tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ trình diễn thời trang, nổi bật trong buổi khai mạc và đêm gala bế mạc (30.11).

Dịp này, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tặng 100 suất quà cho CNLĐ là đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, công nhân có thành tích xuất sắc.

Bên cạnh đó, Thường trực LĐLĐ tỉnh cũng sẽ trao hỗ trợ xây mới và sửa chữa 46 nhà Mái ấm Công đoàn với tổng số tiền gần 1,9 tỉ đồng.

Khó khăn khi chuẩn bị thực hiện chương trình là gì, thưa ông?

- Khó khăn lớn là kinh phí. Đây là chương trình lớn, có ý nghĩa bao trùm do Tổng LĐLĐ VN chỉ đạo, có thể nói là việc của TLĐ giao cho LĐLĐ địa phương thực hiện nhưng kinh phí được giao chỉ đáp ứng một phần, rất khó khăn cho LĐLĐ địa phương, đặc biệt với LĐLĐ các tỉnh eo hẹp về kinh phí.

Thứ hai, chương trình được triển khai kỹ, nhiều ý nghĩa như vậy nhưng chỉ trong khuôn khổ 2 ngày thì hơi ít, khó thu hút DN tham gia. Do đó, đề nghị Tổng LĐLĐ VN sẽ tổng kết, đánh giá để làm tốt hơn những năm sau.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn