MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội thảo góp ý dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi chiều 13.10 tại TP. Vinh-Nghệ An. Ảnh: QĐ

Nghệ An góp ý Luật Công đoàn: Cần xử lý hành vi cản trở thành lập CĐ

QUANG ĐẠI LDO | 13/10/2020 17:52
Chiều 13.10, LĐLĐ tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.
Ông Nguyễn Tử Phương – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An khai mạc Hội thảo. Ảnh: QĐ

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Tử Phương – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An nêu vấn đề qua thời gian thực hiện, Luật Công đoàn hiện hành đã bộc lộ những ưu điểm cần phát huy và những tồn tại, hạn chế cần sửa đổi, bổ sung, đặc biệt trong bối cảnh trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi.

Các ý kiến đóng góp, phản biện từ cán bộ công đoàn cơ sở sẽ giúp Luật Công đoàn mới hoàn thiện, hiệu quả hơn.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu là cán bộ công đoàn đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động ở cơ sở hiện nay, cũng như kiến nghị cần quy định cụ thể hơn tại một số nội dung trong Luật Công đoàn sửa đổi.

Ông Phạm Đức Cường - Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu cho rằng, cần tiếp tục duy trì mức thu 2% kinh phí công đoàn để duy trì các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đồng thời, cần làm rõ vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở và mở rộng đối tượng kết nạp vào tổ chức công đoàn.

Đồng chí Nguyễn Công Danh – Chủ tịch Công đoàn viên chức Nghệ An đề xuất chọn phương án 1 trong xử lý tài chính công đoàn. Ảnh: QĐ

Theo đồng chí Nguyễn Công Danh – Chủ tịch Công đoàn viên chức Nghệ An, vấn đề cơ cấu tổ chức cần quy định cụ thể trong luật, căn cứ số lượng đoàn viên để quy định cán bộ công đoàn; có cơ chế thu hút đội ngũ cán bộ công đoàn bán chuyên trách. Về kinh phí công đoàn, đề xuất theo phương án 1 (duy trì 2% kinh phí công đoàn, tỷ lệ 25%-75%).

Đại biểu Vương An Nguyên- Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đề nghị do phạm vi điều chỉnh, sửa đổi lớn, nên đổi tên thành Luật Công đoàn 2021; việc gia nhập công đoàn của người nước ngoài nên thận trọng, và nên có chính sách thu hút cán bộ công đoàn bán chuyên trách tại doanh nghiệp.

Ông Phan Văn Hồng – Trưởng ban Tài chính LĐLĐ tỉnh Nghệ An cho rằng đối với việc sử dụng kinh phí công đoàn nên quy định theo Luật Ngân sách; về nguyên tắc, kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn đều là các khoản thu theo quy định của pháp luật, vì vậy cần gộp chung thành kinh phí công đoàn và thực hiện các khoản chi theo quy định để thống nhất, thuận lợi trong quản lý. Về phân bổ cán bộ công đoàn chuyên trách nên giao cho Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An Nguyễn Thị Thu Nhi cho rằng luật cần bổ sung chế tài giải quyết hành vi cản trở thành lập tổ chức công đoàn. Ảnh: QĐ

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An Nguyễn Thị Thu Nhi cho rằng luật cần bổ sung chế tài giải quyết hành vi cản trở thành lập tổ chức công đoàn; phải quy định thời gian tối thiểu doanh nghiệp, cơ quan bố trí cho cán bộ công đoàn cơ sở hoạt động, nếu không sẽ rất khó khăn. Ông Nguyễn Kỳ Sơn - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An đề nghị Điều 24 giữ nguyên như Luật cũ; về tài sản đề nghị không đưa quy định kiểm toán vào luật vì đã có quy định về kiểm toán riêng.

Ông Nguyễn Kỳ Sơn - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An đề nghị không đưa quy định kiểm toán vào luật vì đã có quy định về kiểm toán riêng. Ảnh: QĐ

Ông Nguyễn Chí Công– Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An cảm ơn các ý kiến góp ý của đại biểu dự hội thảo và cho biết sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến góp ý để báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn