MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An Kha Văn Tám và Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An Trần Thị Nguyệt tìm hiểu cuộc sống công nhân tại khu nhà trọ. Ảnh: Thanh Tùng

Nghệ An phòng ngừa, giải quyết đình công không đúng trình tự thủ tục pháp luật

Đại Lâm LDO | 15/09/2023 08:57
UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch số 672/KH-UBND về phòng ngừa và giải quyết đình công không đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2025, tính đến năm 2030.

Theo kế hoạch này, các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan thực hiện có hiệu quả, kịp thời cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nhằm hỗ trợ nhà ở cho người lao động, công trình phúc lợi xã hội nhằm phục vụ đời sống ổn định, lâu dài cho công nhân lao động tại các địa phương có đông công nhân lao động, đặc biệt là tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp có liên quan hỗ trợ doanh nghiệp và tổ chức trong việc xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo, trường học cho con công nhân làm việc trong khu kinh tế, khu công nghiệp.

Đáng chú ý, UBND tỉnh yêu cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương... tăng cường tuyên truyền các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN, nhất là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người tham gia, bảo đảm người lao động tiếp cận được đầy đủ thông tin; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi nợ, gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp.

Lực lượng công an chủ động, thường xuyên nắm bắt tình hình về an ninh trật tự các đơn vị, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có đông lao động, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài; triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các dấu hiệu hoạt động móc nối, lôi kéo, kích động công nhân đình công không đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định...

Kế hoạch đưa ra yêu cầu 100% doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp có 500 lao động trở lên tổ chức Hội nghị người lao động hàng năm, tổ chức đối thoại khi có vụ việc và ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. 100% doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp có 500 lao động trở lên thành lập được công đoàn cơ sở; hàng năm được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật có liên quan; xây dựng và ban hành nội quy lao động, quy chế, thang bảng lương; thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể...

Phấn đấu đến năm 2025, có 90% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể, trong đó có ít nhất 40% thỏa ước lao động tập thể loại A; đến năm 2030 có trên 95% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể, trong đó, có ít nhất 65% thỏa ước lao động tập thể loại A.

Ít nhất mỗi năm một lần, UBND cấp huyện hoặc tỉnh chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp với Công đoàn cùng cấp tiến hành thanh, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về lao động và pháp luật có liên quan tại các doanh nghiệp có đông công nhân lao động thuộc các ngành nghề có nguy cơ cao về đình công.

Tất cả các cuộc đình công (nếu có) được giải quyết kịp thời, hiệu quả và đúng quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn