MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều lao động nông nhàn ở Mỹ Phước (Mỹ Tú, Sóc Trăng) có thu nhập ổn định từ nghề đốn, vác tràm thuê. Ảnh: Phương Anh

Nghề đốn, vác tràm - lấy sức đổi cơm cho lao động nông nhàn

PHƯƠNG ANH LDO | 24/08/2023 06:30

Huyện Mỹ Tú là địa phương có diện tích trồng tràm khai thác gỗ nhiều nhất tỉnh Sóc Trăng. Cây tràm nơi đây không chỉ mang lại thu nhập cho bà con nhà nông mà còn giúp nhiều lao động tự do có cuộc sống ổn định từ nghề đốn, vác tràm thuê lúc nông nhàn.

Xã Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) có hàng chục điểm tập kết tràm cừ để cung cấp cho các tỉnh thành trong cả nước. Đây cũng là nơi tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi ở vùng nông thôn với nghề đốn, vác cừ tràm.

Nhân công vác tràm từ ghe lên bãi tập kết để phân loại tràm. Ảnh: Phương Anh

Ông Huỳnh Văn Kiếm - chủ một vựa tràm ở xã Mỹ Phước - cho biết: "Tại vựa có 10 lao động. Hầu hết ai cũng gắn bó với nghề, có người đã làm ở đây cả chục năm nay. Trung bình thu nhập của mỗi lao động khoảng 7 - 8 triệu mỗi tháng. Nếu không có lực lượng lao động này, những chủ vựa như chúng tôi sẽ không thể nào đảm nhận hết số lượng đơn hàng".

Nghề đốn, vác cừ tràm chủ yếu là nam giới tham gia. Ảnh: Phương Anh

Là một trong những người đốn, vác tràm thuê, ông Lê Hữu Khương (xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) cho hay: Mỗi ngày cứ 3 giờ sáng là ông theo ghe đến ruộng để đốn tràm, sau đó vận chuyển về vựa. Tiền công mỗi ngày khoảng 300.000 - 400.000 đồng.

“Nghề này cực lắm, phải đi từ sáng sớm cho đến 1 - 2 giờ chiều mới về nhà. Lúc mới làm, chân tay đau nhức lắm, dần dần rồi quen. Dù cực nhưng bù lại có thu nhập ổn định, tính ra tôi đã theo nghề được 6 năm rồi. Cũng nhờ nghề này mà gia đình có cuộc sống ổn định, con cái được học hành đến nơi đến chốn” - ông Khương cho biết thêm.

Nhờ nghề đốn, vác tràm thuê nhiều lao động có việc làm, thu nhập ổn định. Ảnh: Phương Anh

Công việc chính của những lao động “sống nhờ” tràm là đốn cây tại ruộng, róc nhánh cho sạch, sau đó vác lên ghe rồi về bãi tập kết. Tại bãi, nhân công phải tiếp tục vác cây lên rồi phân loại theo kích thước. Có những cây tràm nặng phải 2, 3 người hỗ trợ nhau mới vác nổi.

Những cây tràm lớn phải 2 người khiêng. Ảnh: Phương Anh

Mặc dù nghề đốn, vác cừ tràm vất vả, nhưng đối với lao động nông thôn, đây là công việc giúp họ có được nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Mỗi điểm tập kết tràm có đến hàng chục lao động tham gia. Ảnh: Phương Anh

Nhà không có đất sản xuất, anh Trương Hoàng Giang đi đốn và vác tràm thuê cũng khoảng 4 năm nay cho hay: "Nghề đốn, vác tràm chính là nghề lấy sức đổi cơm. Chỉ có lúc thu hoạch là dùng máy cắt, còn lại đều phải dùng sức người. Bởi vậy, người theo nghề chủ yếu là nam giới, có sức khỏe dẻo dai, chịu thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm mưa, đặc biệt chịu lội nước vì hầu hết những ruộng tràm đều ngập nước hơn nửa gối”.

Không khí nhộn nhịp tại một điểm tập kết cừ tràm ở xã Mỹ Phước (Mỹ Tú, sóc Trăng).

Được biết, tại các xã Mỹ Phước, Hưng Phú, Long Hưng (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) có đến cả trăm điểm tập kết thu mua cừ tràm. Các điểm này đã góp phần giải quyết việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương, nhất là đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn