MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghề IT có tuổi nghề ngắn hơn so với các ngành khác và khó để cạnh tranh

Cam Ly LDO | 30/05/2023 09:46

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ, nếu nhìn vào bề ngoài, công việc trong lĩnh vực này dường như một sự lựa chọn hoàn hảo, với mức lương hấp dẫn, công việc linh hoạt và tiềm năng thăng tiến. Tuy nhiên, sự thật đằng sau ngành IT có thể không đơn giản như vậy.

Anh Cao Nhân (ở TP Hồ Chí Minh) hiện là lập trình viên web Full-stack chia sẻ - thời điểm trước đây, IT có thể có mức lương cao và vượt trội so với các ngành nghề khác, nhưng hiện tại thì không đúng hoàn toàn.

"IT có cung cao, cầu cao nên tôi nghĩ lương chỉ ở mức trung bình và tuổi nghề IT ngắn hơn rất nhiều so với các ngành khác" - anh Nhân cho hay.

Theo anh Nhân, tuổi nghề IT ngắn hơn rất nhiều so với các ngành khác. Ảnh nhân vật cung cấp

Anh Nhân cho rằng, nếu không nỗ lực phấn đấu tới một cấp bậc cao, theo hướng quản lý - điều hành hay phân tích thì khi tới khoảng 35 - 40 tuổi sẽ rất khó cạnh tranh trong ngành này. Khi không còn đủ sự nhạy bén và sức khỏe cũng không còn phù hợp để lập trình suốt ngày, họ sẽ bị thay thế bởi thế hệ trẻ hơn.

Cá nhân anh cảm nhận: “Ngành IT ít có sự bền bỉ. Người làm ở lĩnh vực này thường muốn nhảy việc để có mức lương cao hơn hay theo đuổi công nghệ mới".

Ngoài ra, vì tính chất công việc liên quan đến công nghệ thông tin, người làm việc trong ngành IT thường phải đối mặt với áp lực và thời gian làm việc kéo dài. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc cân bằng cuộc sống, nhịp sinh hoạt của họ.

Ngoài ra, anh Nhân cho rằng, IT là một trong những ngành chịu hậu quả nghiêm trọng của sự suy thoái kinh tế. Có thể thấy rõ mức ảnh hưởng dây chuyền trong ngành này, khi làn sóng sa thải diễn ra ở các quốc gia hàng đầu công nghệ thì một thời gian ngắn sau, nền IT của nhiều quốc gia khác cũng lập tức bị ảnh hưởng. 

Mặc dù có những tiện ích như làm việc từ xa và linh hoạt về thời gian, công việc trong lĩnh vực này lại đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, khả năng học tập liên tục và giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, áp lực công việc trong ngành IT thường rất cao, với yêu cầu hoàn thành dự án đúng thời hạn và đảm bảo tính bảo mật của hệ thống. 

Anh Nguyễn Minh Hoàng (ở Quốc Oai, Hà Nội) - người làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin cho biết, để có mức lương được ví như “nhà giàu” sẽ phải đánh đổi rất nhiều.

Từ việc thức khuya nhiều ngày liên tiếp, mắc các bệnh đi theo về già (đau lưng, gù, thoát vị...). Và ngoài học kiến thức chuyên ngành còn phải học thêm những kiến thức khác như ngôn ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nhật…) để hỗ trợ công việc tốt hơn.

“Đổi lại, chúng tôi sẽ được tiếp xúc với những công nghệ phát triển, tăng khả năng thích thú, sáng tạo công việc" - anh Hoàng chia sẻ. 

Người làm việc trong ngành IT thường gặp khó khăn cân bằng công việc và cuộc sống. Ảnh: Cam Ly

Anh Hoàng cho biết thêm, trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện tại, IT cũng đang trong quá trình đào thải rất nhiều. Các công ty chỉ tuyển những người thực sự làm được việc và sẽ hạn chế tuyển người chưa có nhiều kinh nghiệm. Không những vậy nhiều công ty cũng phải sa thải nhân viên IT vì tình trạng khan hiếm dự án…

"Trong khi IT được coi là một lĩnh vực hứa hẹn, thì thực tế nó không phải là một cuộc hành trình nhàn hạ và dễ dàng. Sự thay đổi liên tục, áp lực công việc và tầm quan trọng của việc nắm bắt xu hướng công nghệ là những thách thức mà những người làm việc trong ngành thường xuyên phải đối mặt" - anh Hoàng nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn