MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghề nguy hiểm chưa được đóng bảo hiểm tai nạn đúng mức

Quỳnh Chi LDO | 27/04/2023 16:55

Thông tin tại phiên đối thoại định kỳ của Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023 diễn ra sáng 27.4 cho thấy, hiện tỉ lệ đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của các nhóm lao động đang cào bằng như nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, nên phân tỉ lệ đóng vào quỹ theo các mức độ nguy hiểm, rủi ro của nghề.

Theo bà Đào Thi Thu Huyền - Chuyên viên Ban Lao động, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, trong thời gian dịch COVID-19, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐTBXH) đã kiến nghị Chính phủ, Quốc hội giảm tỉ lệ đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với doanh nghiệp.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quỳnh Chi

Nay đơn vị này đề nghị xem xét tiếp tục giảm phần đóng vào quỹ, nhằm tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp.

Đồng thời, tỉ lệ đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của các nhóm lao động đang cào bằng như nhau. Theo đó, nên phân tỉ lệ đóng vào quỹ theo các mức độ nguy hiểm, rủi ro của nghề.

Đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, tai nạn lao động chết người, thương tích nặng diễn ra ở lao động trẻ đang có xu hướng tăng do nhóm đối tượng này còn chủ quan, thiếu kiến thức, kỹ năng an toàn. Sau khi bị tai nạn lao động, các chính sách hỗ trợ hầu như không có.

Theo đại diện Trung ương Hội nông dân Việt Nam, người lao động tham gia bảo hiểm y tế không có hỗ trợ này. Hiện nay, bảo hiểm xã hội tự nguyện có điều chỉnh theo hướng mở rộng chế độ được hưởng, gồm cả chế độ tử tuất, thai sản, tai nạn lao động nhưng còn phải chờ.

Tỉ lệ nông dân có đủ tiền tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ít, chỉ chiếm 13%. Chúng tôi mong muốn có một chính sách hỗ trợ cho nông dân khi bị tai nạn lao động từ quỹ này.

 Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quỳnh Chi

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh cho biết, thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt hơn;

Việc đối thoại định kỳ về chính sách nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và các cơ quan quản lý Nhà nước, qua đó, góp phần xây dựng cơ chế chính sách ngày càng hoàn thiện hơn.

Sau 6 lần tổ chức đối thoại ở cấp quốc gia (từ năm 2017 đến năm 2022), nhiều nội dung chính sách vướng mắc đã được sửa đổi, bổ sung nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ở cấp tỉnh đã có nhiều thông tin được chia sẻ, giải đáp.

"Toàn bộ các kiến nghị và kết quả của cuộc đối thoại sẽ được báo cáo, gửi tới Chính phủ và chuyển tải tới các thành viên Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động.

Một số vấn đề quan trọng sẽ được xem xét, lựa chọn, đưa ra biểu quyết trong Hội đồng quốc gia về an toàn vệ sinh lao động tại phiên họp thường kỳ sắp tới" - ông Thanh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn