MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một nữ công nhân trong phòng trọ chật chội gần Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Bảo Hân

Nghèo cả đời sống văn hoá, tinh thần của công nhân lao động

Bảo Hân LDO | 28/05/2022 14:00

Không chỉ đời sống vật chất khó khăn, mà đối với nhiều công nhân lao động, đời sống tinh thần của họ cũng rất nghèo nàn. 

Đã lâu rồi cả nhà chưa đi chơi cùng nhau… 

“Ngoài những giờ làm việc, tăng ca tại công ty, thời gian rảnh là tôi ở nhà chăm sóc các con. Đã từ lâu rồi, cả nhà tôi chưa có dịp đi chơi xa cùng nhau” - chị Bùi Thị Thu, công nhân trú tại xã Hương Mai, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cho biết. 

Như nhiều công nhân khác, công việc tại nhà máy gần như chiếm hết thời gian của chị Thu. Thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu được kiểm soát, công ty tổ chức làm nhiều để bù lại những ngày trước đó phải nghỉ do dịch. Nữ công nhân này phải làm việc từ 7h30 đến 20h30 mới về đến nhà. Hiện giờ, hàng ngày, chị Thu làm việc ít hơn, từ 7h30 đến 18h30. Về đến nhà, chị lo nấu nướng, chăm sóc các con, dọn dẹp nhà cửa rồi đi ngủ. Đó là điệp khúc diễn ra ngày này qua ngày khác. 

Có 3 người con, nên chị Thu càng thêm bận rộn. Nhiều khi mong muốn cả nhà được đi một chuyến du lịch xa cùng nhau, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, chị Thu thấy thật khó khăn. Con còn nhỏ là một lý do, nhưng điều quan trọng hơn là vấn đề về chi phí. Một chuyến đi như vậy với tiền thuê xe, mua sắm, ăn uống, ít nhất cũng phải tiêu tốn 5 triệu đồng. Số tiền này, đối với gia đình nữ công nhân là khá lớn. Tổng thu nhập của chị Thu được khoảng 5-6 triệu đồng/tháng nếu không tăng ca; nếu tăng ca, con số này tăng lên 7-8 triệu đồng/tháng.

Phương tiện giải trí của nữ công nhân này là tivi cùng chiếc điện thoại thông minh. Thi thoảng, chị dẫn các con đi chơi ở một số địa điểm gần nơi ở. Chưa bao giờ chị đưa các con đi xem phim ở rạp, hay đến các sự kiện ca nhạc, văn hoá…

Hết ở nhà máy là về phòng trọ 

Khác với chị Thu, chị Nguyễn Thu Trang (công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) chưa lập gia đình. Nữ công nhân này đang thuê trọ, sống một mình. Tuy vậy, hết giờ làm việc, chị Trang cũng “gắn chặt” với phòng trọ. Rất ít khi chị Trang đi đâu xa, trừ những lần về quê ở Phú Thọ. 

Công ty nơi chị Trang làm việc bố trí làm việc theo kíp. Công nhân có 4 ngày làm ban đêm, nghỉ 2 ngày, rồi lại có 4 ngày làm ban ngày. Nếu nhiều việc, công ty sẽ tổ chức làm thêm vào 1 trong 2 ngày được nghỉ trên. Mỗi ngày, chị Trang ở nhà xưởng 12 giờ (từ 7 giờ sáng đến 19 giờ). Sau khi tan làm, người quá mệt mỏi, nên nữ công nhân này chỉ biết tắm rửa rồi lên giường ngủ (bữa tối đã dùng ở công ty). Còn những ngày được nghỉ, hầu như chị Trang chỉ ở trong phòng trọ, ngủ vùi để lấy lại sức những hôm phải đi làm; lúc nào thức thì chơi game, lướt mạng, hay dọn dẹp nhà cửa… Những chuyến du lịch xa đối với chị Trang là rất khó bởi liên quan đến sắp xếp công việc và chi phí.

Chưa lập gia đình, nhưng nữ công nhân này ít khi giao lưu với bạn bè. Bình thường, hầu như chị Trang không đi chơi với bạn bè; lâu lắm không biết đến rạp chiếu phim… Phương tiện giải trí duy nhất chị có được là chiếc điện thoại di động. Chị thích đọc những tin tức pháp luật và lên mạng xã hội.

“Cuộc sống của tôi gần như chỉ gắn chặt với 2 nơi: Công ty và phòng trọ” - chị Trang tâm sự. Thu nhập của chị Trang hiện tại nếu không tăng ca là 8 triệu đồng; nếu có tăng ca là 9-10 triệu đồng. Còn trẻ, nên chị Trang muốn làm việc thật chăm chỉ để có chút tiền để dành, lo cho cuộc sống sau này, nếu không làm công nhân nữa… 

Theo một nghiên cứu của Oxfam phối hợp cùng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện tại 6 doanh nghiệp may vào năm 2019, lương không đủ sống kéo theo nhiều hệ lụy đối với người công nhân, gia đình của họ. Một trong những hệ luỵ của lương không đủ sống là đời sống tinh thần nghèo nàn, giảm giao lưu. Công nhân cho biết họ không mấy khi đi chơi hoặc chi tiêu cho các hoạt động vui chơi, giải trí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn