MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khách mời tham dự tọa đàm với chủ đề “Nghị định 105/2020/NĐ-CP - bước đột phá trong chính sách chăm lo đời sống công nhân” do Báo Lao Động tổ chức. Ảnh: tô thế

Nghị định 105/2020/NĐ-CP: Đột phá trong chính sách chăm lo đời sống công nhân

Đặng Chung LDO | 20/10/2020 09:47
Từ ngày 1.11.2020, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non sẽ chính thức có hiệu lực. Tại tọa đàm “Nghị định 105 - bước đột phá trong chính sách chăm lo đời sống công nhân” do Báo Lao Động tổ chức chiều 19.10, công nhân, người lao động đánh giá nghị định này sẽ là “cú hích” để phát triển giáo dục mầm non, với nhiều chính sách nhân văn, hỗ trợ trực tiếp đối tượng là con em công nhân, giáo viên đang làm việc tại các khu công nghiệp trong cả nước.

Chính sách nhân văn để đầu tư cho tương lai

Nói về lý do đề xuất, tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, ông Nguyễn Bá Minh - Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) - cho biết, đối tượng giáo viên Mầm non và công nhân lao động (CNLĐ) chịu nhiều thiệt thòi và rất vất vả. Đặc biệt, giáo viên đang làm việc tại trường tư thục ở khu công nghiệp (KCN) còn vất vả hơn nhiều. Mỗi ngày, các cô phải làm việc 10 tiếng đồng hồ, tiếp xúc với đối tượng là trẻ nhỏ, chịu nhiều áp lực trong khi đồng lương chưa tương xứng với công sức lao động. Vì vậy, Bộ GDĐT đã đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ các cô 800.000 đồng/tháng.

Ngoài ra, khi kinh tế xã hội phát triển, có nhiều KCN đồng nghĩa với việc thu hút lượng lao động (LĐ) trẻ rất lớn và tạo nên áp lực về tăng dân số cơ học. Vì điều này nên việc quy hoạch và phát triển mạng lưới trường công lập không đáp ứng đủ nhu cầu đưa trẻ đến trường. Nhiều con em của người lao động (NLĐ) nhập cư phải gửi ở hệ thống trường tư thục, nhóm trẻ vì không có hộ khẩu. Với thu nhập của công nhân (CN), để lo cho con em ăn học ở trường tư là một sự nỗ lực rất lớn.

“Vì vậy, ngoài việc xây dựng quy định về quy hoạch mạng lưới trường lớp đáp ứng nhu cầu gửi trẻ trên địa bàn, trong đó có con em CN, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 105/2020, với quy định hỗ trợ cho con em CN đang làm việc ở các KCN số tiền là 160.000 đồng/tháng. Phải nói, trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn, đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, để có được mức hỗ trợ này là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ”- ông Nguyễn Bá Minh nói.

Còn theo đánh giá của bà Trịnh Thị Thanh Hằng - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐVN - trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn ban hành nghị định, với những quy định tương đối toàn diện và tạo điều kiện cho anh chị em CN ở KCN. Nghị định chính là bước đột phá trong chính sách chăm lo đời sống CN, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Trực tiếp chăm sóc con em CNLĐ, là người thụ hưởng chính sách, cô Nguyễn Thanh Phương - Cán bộ quản lý cơ sở Mầm non Toàn cầu (KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) - tâm sự, với đặc thù là cơ sở Mầm non đóng trên địa bàn KCN, có tới trên 60% là con CN, nhiều lần cô nhận được lời đề nghị của phụ huynh về việc nhờ trông con từ 5h30 sáng để họ kịp giờ làm. Vì CN phải làm ca kíp như vậy, nên thời gian làm việc của giáo viên mầm non tại các KCN thường kéo dài hơn so với quy định. Với việc mỗi giáo viên được hỗ trợ mức 800.000 đồng/tháng, cô Phương cho rằng, đây sẽ là động lực để giáo viên mầm non yên tâm công tác, chăm sóc trẻ.

“Nghị định 105 ra đời trong bối cảnh kinh tế khó khăn nên đây là nguồn hỗ trợ rất tốt cho anh chị em CN, giúp họ có thêm động lực đưa con đến lớp. Còn giáo viên Mầm non tư thục được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng là một nguồn động viên lớn để họ yên tâm gắn bó với công việc của mình”- cô Phương chia sẻ.

Kiên định đề xuất để con Công nhân được hưởng chất lượng giáo dục tốt nhất

Thời gian qua, ngay khi Nghị định số 105/2020/NĐ-CP được ban hành, bên cạnh niềm vui của CNLĐ và giáo viên Mầm non đang làm việc tại các KCN, thì còn rất nhiều ý kiến băn khoăn, tâm tư về các chính sách trong nghị định. Tại buổi tọa đàm do Báo Lao Động tổ chức, nhiều ý kiến, đề xuất cũng được NLĐ đưa ra, kiến nghị cơ quan quản lý có những đề xuất để nghị định sớm đi vào cuộc sống, đảm bảo công bằng với tất cả con em NLĐ.

Một trong những băn khoăn của CN là “tại sao nghị định chỉ hỗ trợ con em CN ở KCN, vậy con em CN đang làm việc ngoài KCN thì sao?”. Trả lời băn khoăn này, ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non - nói rằng: Bộ GDĐT rất mong muốn được mở rộng đối tượng NLĐ ngoài KCN. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đất nước đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, chỉ có thể nhắm đến đối tượng con CN trong KCN được hưởng thụ chính sách này. “Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến, kiên định đề xuất để con CN được hưởng chất lượng giáo dục tốt nhất”- ông Minh cho hay.

Bà Trịnh Thị Thanh Hằng cũng cho rằng, chính sách trong nghị định mới chỉ tiếp cận đến đối tượng ở các KCN vì nhiều lý do. “Trong Bộ luật Lao động hiện hành quy định rõ, Nhà nước có trách nhiệm xây dựng nhà trẻ mẫu giáo cho con CN nơi có nhiều LĐ nữ, không phân biệt CNLĐ trong hay ngoài KCN. Nhiều quy định hiện nay cũng quy định đối tượng được hỗ trợ bao gồm tất cả NLĐ, không phân biệt trong hay ngoài KCN.

Nghị định 105 cũng có chính sách không phân biệt, như chính sách phát triển cơ sở giáo dục không hề phân biệt hay chính sách con của NLĐ trong vùng đặc biệt khó khăn. Còn với đối tượng CN ở KCN, từ những hoạt động, phản ánh của tổ chức Công đoàn, đa số CNLĐ tại đây gửi con ở nhà trẻ chưa đảm bảo điều kiện do còn khó khăn. Con CNLĐ các KCN chịu thiệt thòi hơn khu vực khác. Vì vậy rất cần chính sách đặc thù cho con CNLĐ, giáo viên mầm non ở khu vực này để họ không bị thiệt thòi so với khu vực khác”- bà Trịnh Thị Thanh Hằng cho biết. Bà Hằng kiến nghị, về lâu dài, khi điều kiện kinh tế đất nước khá hơn, Bộ GDĐT cần đề xuất mở rộng đối tượng hỗ trợ, để đảm bảo công bằng với mọi CN.

Công khai, minh bạch để chính sách đến đúng đối tượng cần hỗ trợ

Nghị định 105 có quy định rõ, mức hỗ trợ do UBND cấp tỉnh xây dựng phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương, trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định. Như vậy, trách nhiệm thi hành nghị định thuộc về địa phương. Vấn đề đặt ra, việc giám sát địa phương thực hiện ra sao, để đảm bảo chính sách nhân văn này được thực thi đúng?

Về điều này, theo ông Nguyễn Bá Minh, cần phải công khai, minh bạch trong tất cả các khâu. Thời gian tới, khi tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai nghị định, Bộ GDĐT sẽ yêu cầu các địa phương phải thực hiện công khai từ khâu xét duyệt hồ sơ, thậm chí đăng tải trên cổng thông tin của địa phương danh sách đối tượng được hưởng hỗ trợ. Nếu thực hiện như vậy, phụ huynh và nhân dân sẽ cùng giám sát.

Với vai trò và trách nhiệm của mình, bà Trịnh Thị Thanh Hằng cho hay, phía Công đoàn cũng sẽ phối hợp với chính quyền, căn cứ tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương để đề xuất UBND tỉnh xem xét mức hỗ trợ trình HĐND tỉnh quyết định cho phù hợp và có lợi nhất cho NLĐ. Đồng thời Công đoàn cũng tuyền truyền, vận động để NLĐ hiểu mình được hưởng thụ gì từ chính sách, quy trình làm hồ sơ, thủ tục để được hưởng hỗ trợ. Đặc biệt, Công đoàn cũng sẽ thực hiện chức năng giám sát thông qua hoạt động giám sát trực tiếp tại cơ sở hoặc phối hợp với các sở, để đảm bảo chính sách đến được đúng đối tượng cần hỗ trợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn