MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với mức lương hưu 4,4 triệu đồng/tháng, nếu không có những khoản thu nhập khác, cuộc sống về già của bà Đ sẽ rất khó khăn. Ảnh: Hà Anh

Nghỉ hưu trước năm 1995: Lương hưu thấp, người già thiếu thốn trăm bề

Bảo Hân - Hà Anh LDO | 04/10/2022 06:30
Nhiều người về hưu trước năm 1995 đang có mức lương hưu rất thấp, trong khi họ đều tuổi đã cao, nhiều bệnh tật. Nghị định tăng lương gần đây nhất đối với nhóm đối tượng này là vào năm 2004. Vì vậy, họ đều mong sớm được tăng lương hưu để đảm bảo cuộc sống khi về già.

Cầm hơn 4,4 triệu trên tay, “vèo cái” là hết

Bà Nguyễn Thị Đ (sinh năm 1949, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội) về hưu năm 1993 - sau 27 năm công tác trong ngành địa chất. Hiện nay khoản lương hưu bà Đ được lĩnh là hơn 4,4 triệu đồng/tháng. Với khoản lương hưu 4,4 triệu đồng/tháng, bà Đ “góp” với chồng - cũng là cán bộ về hưu để dùng cho chi tiêu sinh hoạt phí…

“Tổng lương hưu của vợ chồng tôi được 10 triệu đồng/tháng, dùng để chi các khoản như tiền ăn (6 triệu đồng/tháng), tiền điện (1triệu đồng/tháng), tiền nước (100.000 đồng/tháng), nhu yếu phẩm (khoảng gần 1 triệu đồng/tháng). Nếu không phát sinh các khoản “bên lề” như hiếu, hỷ… thì lương hưu tạm đủ cho sinh hoạt” - bà Đ cho hay. 

Hiện nay, cứ mùng 5 hàng tháng, bà Đ lại tới khu tập thể (tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) để lĩnh lương hưu rồi trò chuyện với những đồng nghiệp cũ. Theo bà Đ, trong câu chuyện, mọi người đều “than thở”: Lương hưu thấp dẫn tới cuộc sống gặp nhiều khó khăn, phải thắt chặt chi tiêu. Nhiều người tuổi cao, sức yếu nhưng không dám chi tiền mua thuốc bổ để tăng cường sức khoẻ; khi đau ốm thì chỉ dựa vào mấy viên thuốc theo chế độ bảo hiểm y tế mà bệnh viện phát cho. 

“Cầm hơn 4,4 triệu trên tay, tôi thấy “vèo cái” là hết bởi giá cả các mặt hàng đang tăng cao, lương hưu thì thấp” - bà Đ than thở và bảo, sắp tới nếu điều chỉnh tăng giá điện thì những người về hưu như bà sẽ càng gặp khó khăn trong cuộc sống.

“Theo tôi, bên cạnh điều chỉnh tăng lương cho những người về hưu trước năm 1995, cơ quan chức năng cần có biện pháp bình ổn giá cả thị trường, không để hiện tượng tăng giá thực phẩm “tát nước theo mưa” mỗi khi nhà nước điều chỉnh giá xăng, điện nước. Đây là biện pháp tốt nhất nhằm đảm bảo đời sống người dân, nhất là những người về hưu như chúng tôi” - bà Đ nêu ý kiến.

Gần một nửa lương hưu dùng để… mua thuốc

Cũng giống như bà Đ, ông Ư (Vũ Thư, Thái Bình) cũng nhận chế độ nghỉ hưu từ trước năm 1995. Sau hơn 30 năm công tác trong ngành thương nghiệp, năm 1989, ông Ư về hưu. Vợ mất cách đây vài năm, hiện tại lương hưu của ông hơn 3,6 triệu đồng/tháng. Số tiền này đủ trang trải những khoản cơ bản hằng ngày cho riêng ông, nhưng ông còn phải “gánh” thêm người con trai thất nghiệp, không có thu nhập. 

“Năm nay tôi đã 92 tuổi, nhiều bệnh tật nên dành phần lớn tiền lương hưu để mua các loại thuốc. Hiện tôi phải chi 1,5 triệu đồng tiền thuốc/tháng. Mỗi tháng, 2 bố con tôi dành ra khoảng hơn 1 triệu đồng để mua thực phẩm - đây là cách chi tiêu tiết kiệm hết mức có thể” - ông Ư chia sẻ. 

Không chỉ vậy, hàng tháng, đồng lương của ông Ư còn phải “chia năm sẻ bảy” để lo các khoản hiếu hỉ, ma chay… trong xóm ngoài làng. “Có tháng có nhiều đám hiếu hỉ, ma chay khiến tôi tiêu quá cả lương hưu, lạm cả vào phần dành dụm. Ở quê, hiện nay, những người già như tôi không ai gửi phong bì mừng đám cưới 100.000 đồng nữa mà phải 200.000 đồng” - ông Ư nói.

Sức yếu, ông Ư không thể trồng rau, nuôi gà… nên đều phải chi tiền mua ngoài chợ. Thi thoảng, các con cháu của ông Ư về gửi biếu ông một vài đồng nên ông có thêm chút tiền lo cho sinh hoạt hàng ngày. “Tôi rất lo lắng nếu chẳng may mình bị bệnh nặng thì không biết lấy tiền đâu để lo chữa chạy. Lúc đấy, chắc chỉ biết trông chờ vào con cháu thôi” - ông Ư trầm ngâm nói.

Quy định về tăng thêm mức lương hưu đối với người nghỉ hưu trước tháng 4.1993 hiện vẫn đang được áp dụng theo Nghị định 31/2004/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 14.2.2004. 

Theo đó, đối với công nhân, viên chức nghỉ hưu: Tăng thêm 7% mức lương hưu hiện hưởng đối với người nghỉ hưu theo Nghị định số 218/CP ngày 27.12.1961 của Chính phủ, Nghị định số 236/HĐBT ngày 18.9.1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

Nghị định này được hướng dẫn bởi Thông tư liên tịch 03/2004/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BQP. 

Khoản 1, Điều 3, Nghị quyết 34/2021/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 (thông qua ngày 13.11.2021) nêu ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn