MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghỉ hưu vẫn đi làm để có thêm thu nhập

Bảo Hân LDO | 06/12/2022 22:57
Nghỉ hưu với mức lương hưu 1,5 triệu đồng/tháng, ông Chu Minh Khanh (Tuyên Quang) vẫn đi làm thêm để trang trải cuộc sống gia đình. 
Ông Chu Minh Khanh đi làm thêm sau khi nghỉ hưu để có thêm thu nhập lo cho gia đình. Ảnh: NVCC 

Ông Chu Minh Khanh sinh năm 1963, về hưu năm 2018. Sau 21 năm công tác tại nhà máy đường thuộc một công ty Nhà nước, ông nghỉ hưu sớm với mức lương hưu 1,5 triệu đồng/tháng.

Theo ông Khanh, sở dĩ ông chỉ nhận được mức lương hưu thấp là do ông đóng bảo hiểm trên nền lương thấp. “Trong quá trình làm việc, công ty không tạo điều kiện cho công nhân được nâng bậc lương. Ngoài ra, tôi còn về hưu trước tuổi" - ông Khanh nói. 

Ông Khanh về hưu với mức giám định sức khoẻ suy giảm 61%. 

Vợ ông Khanh bán đồ ăn sáng, thu nhập không ổn định. Vợ chồng ông phải phụng dưỡng mẹ già năm nay đã 84 tuổi; nuôi một người con đang học đại học. 

“Mỗi tháng có lương hưu là tôi chuyển thẳng 1,5 triệu đồng vào tài khoản của con để cháu trang trải ở Hà Nội. Ngoài ra, vợ tôi còn gửi thêm cho cháu. Nhà tôi đã phải cắm cả sổ đỏ, vay mượn hàng tháng để nuôi con ăn học” - ông Khanh cho hay. 

Để có thêm thu nhập, người đàn ông 59 tuổi đã đi làm nhiều nghề ngay từ khi nghỉ hưu. Hiện nay, ông đang làm bảo vệ tại một trung tâm bảo hành xe. Công việc làm thêm này mang lại cho ông thu nhập khoảng 3,5-4 triệu đồng/tháng. Số tiền này ông gửi vợ để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình. 

“Tôi thường động viên vợ cùng cố gắng và hy vọng sau này con ra trường, kiếm được việc làm sẽ hỗ trợ bố mẹ. Vợ chồng tôi cũng luôn mong luôn có sức khoẻ để có thể lo cho cuộc sống của gia đình" - ông Khanh chia sẻ. 

Một trường hợp khác cũng đi làm sau khi nghỉ hưu là ông Lê Văn T. (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Là bác sĩ của bệnh viện huyện, trước thời điểm về hưu (tháng 3.2018), tiền lương cộng với khoản phụ cấp ưu đãi nghề, tiền trực đêm…, tổng thu nhập của ông được khoảng 10 triệu đồng/tháng.  

“Hiện tôi được hưởng lương hưu hơn 6 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, đối với những người không phải phụng dưỡng cha mẹ già hay hỗ trợ các con thì có thể đủ trang trải cuộc sống ở quê. Nhưng tôi còn có nhiều gánh nặng gia đình, hơn nữa, cảm thấy vẫn còn sức khoẻ, lại có chuyên môn, kinh nghiệm trong nghề, nên tôi vẫn đi làm sau khi nghỉ hưu” – ông T cho hay.  

Sau khi nghỉ hưu tại bệnh viện công lập, ông T “đầu quân” cho một bệnh viện tư nhân cách nhà khoảng 5km. Số tiền lương mà bệnh viện này trả cho ông T. không được ông cho biết cụ thể, mà chỉ được tiết lộ là cao hơn lương hưu ông được hưởng.  

Ông T cho rằng, nếu chỉ có lương hưu, rất khó để ông có khoản tiền dành dụm đề phòng ốm đau, hoạn nạn hay lo các việc lớn của các con sau này. “Nếu chẳng may bị bệnh nặng, không có khoản tiền lớn để phòng thân thì sẽ cực kỳ khó khăn” – ông T chia sẻ. 

Theo quy định, những người lao động tiếp tục đi làm sau độ tuổi nghỉ hưu (tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035 - theo Khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019) - sẽ được xếp vào nhóm người lao động cao tuổi, theo quy định tại Điều 148 Bộ Luật Lao động năm 2019.

Khoản 1 Điều 149 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định như sau: Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn. 

Do tuổi tác đã cao nên những người lao động này được pháp luật dành cho một số đặc quyền: Không phải làm công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn; được thỏa thuận về việc rút ngắn giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn