MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với chị Loan, trở về quê dịp Tết Nguyên đán muộn sẽ giúp chị có cơ hội kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Hạnh Hương.

Nghỉ Tết Nguyên đán muộn, người lao động có cơ hội kiếm thêm thu nhập

LƯƠNG HẠNH LDO | 09/10/2023 08:41

Với nhiều người lao động, nghỉ Tết Nguyên đán muộn sẽ là cơ hội giúp họ kiếm thêm thu nhập để bản thân, gia đình có một cái Tết ấm no, đong đầy.

Sau khi biết thông tin về đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán 2023, chị Nguyễn Thị Loan (SN 1993, quê Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) lại mong mỏi được nghỉ Tết muộn.

Trước đây, với công việc là giáo viên mầm non ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, chị Loan đã phải chi tiêu dè sẻn mới đủ trang trải cuộc sống gia đình. Dịch COVID-19 bùng phát, trường mầm non nơi chị làm việc đóng cửa, chị xin vào làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) qua lời giới thiệu từ một người chị họ.

Theo chị Loan, thu nhập khi làm công nhân cũng không cao hơn làm giáo viên mầm non. Song, các chi phí như tiền thuê trọ, tiền điện, nước… ở khu vực xã Kim Chung, huyện Đông Anh đều giảm hơn nhiều so với ở nội thành.

Hiện tại, công ty nơi chị làm việc không có nhiều đơn hàng, chị Loan đăng ký làm ca hành chính (từ 8 giờ đến 17 giờ) mỗi ngày để có thời gian chăm sóc các con. Với người mẹ công nhân này, sức khoẻ và sự an toàn của 2 con nhỏ luôn đặt được lên hàng đầu.

Chồng chị Loan cũng làm công nhân trong khu công nghiệp này. Nhiều năm nay, vợ chồng chị luôn trở về quê nghỉ Tết Nguyên đán rất muộn, thường là ngày 27-29 Âm lịch tháng Chạp.

“Gia đình tôi về quê cùng em gái bằng xe ô tô riêng nên không lo tắc đường. Vả lại, nếu có thêm đơn hàng hoặc công ty cần công tăng ca thì tôi sẽ ở lại, có thêm thu nhập thì càng tốt. Tết năm nay gia đình tôi cũng dự định 29 Âm lịch mới trở về quê”- nữ công nhân bộc bạch.

Còn anh Nguyễn Văn Tiệp - nhân viên phục vụ tại trung tâm tổ chức sự kiện, tiệc cưới ở Hải Phòng bày tỏ mong muốn nghỉ Tết muộn để cố gắng tăng ca gia tăng thu nhập, có thêm đồng ra đồng vào đón năm mới.

“Tôi vẫn thường làm tăng ca những ngày lễ, Tết để được nhận thêm đồng lương gấp 3, gấp 4 lần so với lương cứng. Trong những dịp này, nhu cầu vui chơi, giải trí, mua sắm của người dân tăng cao, làm công việc phục vụ như tôi cần tận dụng thời gian vàng này để thêm thu nhập” - anh Tiệp tâm sự.

Trước đó, trao đổi với PV Lao Động, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, phương án nghỉ Tết Nguyên đán không cố định qua các năm. Do vậy, cơ quan chuyên môn sẽ phải căn cứ các điều kiện kinh tế - xã hội, từ đó lên phương án nghỉ lễ linh hoạt, hài hòa nhất.

Trước khi Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực, quy định nghỉ Tết Nguyên đán vẫn là 5 ngày, thường được chốt gồm 1 ngày trước Tết và 4 ngày sau Tết hoặc 2 ngày trước Tết và 3 ngày sau Tết.

"Hiện phương án nghỉ Tết Giáp Thìn 2024 vẫn đang được lấy ý kiến và có thể sẽ thêm phương án. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tích cực lắng nghe các đề xuất để chọn phương án phù hợp, thuận lợi nhất cho người dân", ông Thắng nói thêm.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn đang lấy ý kiến các bộ, ngành về 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Phương án 1, nghỉ từ thứ năm, ngày 8.2.2024 đến hết thứ tư, ngày 14.2.2024 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Phương án 2, nghỉ từ thứ sáu, ngày 9.2.2024 đến hết thứ năm, ngày 15.2.2024 (tức ngày 30 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Cả 2 phương án đều kéo dài 7 ngày, chỉ khác thời điểm nghỉ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn