MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp cần lao động tuyển dụng không được, trong khi nhiều lao động cũng đang chờ công ty hoạt động trở lại để đi làm.

Nghịch lý câu chuyện thừa thiếu lao động ở Bình Dương trong tình hình mới

ĐÌNH TRỌNG LDO | 09/10/2021 06:55

Nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương đang phục hồi sản xuất tuyển không được lao động. Trong khi đó, lượng lớn công nhân vẫn ở phòng trọ chờ đợi thông báo để đến nhà máy làm việc.

Cần lao động tuyển không được

Đầu tháng 10.2021, tỉnh Bình Dương bước vào trạng thái bình thường mới, cho phép doanh nghiệp mở cửa sản xuất, kinh doanh trở lại sau thời gian tạm ngừng vì dịch bệnh. Theo dự báo, các doanh nghiệp ở Bình Dương đang cần tuyển dụng khoảng 50.000 lao động để tái sản xuất. Con số này thấp hơn một nửa so với đầu năm 2021.

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ, Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông (có chi nhánh ở TP.Dĩ An và TX.Tân Uyên, Bình Dương) đã thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" hơn 3 tháng nay với 1.000 lao động.

Ông Dương Quang Hiệp - Giám đốc nhân sự - cho biết, hiện công ty cần tuyển thêm 500 lao động phổ thông. Tuy nhiên, việc tuyển dụng, tìm kiếm nguồn lao động “xanh” đang rất khó khăn.

Nhiều công nhân vẫn ở nhà trọ chưa thể đi làm.

Nhiều công ty khác, trong quá trình tái sản xuất cũng bắt đầu đăng thông tin tuyển dụng với số lượng từ 50-150 lao động phổ thông nhưng hồ sơ nộp vào rất ít.

Về nguồn lao động, người dân các tỉnh chưa về Bình Dương tìm việc, tức nguồn lao động mới chưa có. Lao động thất nghiệp trong tỉnh Bình Dương muốn đi tìm việc thì chưa chuẩn bị đủ hồ sơ giấy tờ (do ở quê chưa kịp chuyển đến hoặc chưa thể tự đi công chứng, xác nhận giấy tờ do còn trong khu phong tỏa).

Trong khi đó, nhiều công ty quy mô trên 2.000 lao động mới chỉ tái sản xuất được với từ 15-30% lao động, số còn lại vẫn đang ở trong các khu dân cư. Các doanh nghiệp chưa thể đưa hoạt động với 100% lao động như trước đây vì đang còn chuẩn bị hồ sơ thực hiện các phương án sản xuất. Công ty sản xuất giày (phường Bình Chuẩn, Thành phố Thuận An) trước dịch có 5.600 công nhân. Hiện mới đưa được 700 lao động vào nhà máy sản xuất "3 tại chỗ", số còn lại vẫn ở nhà.

Các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong chuẩn bị nguyên vật liệu, kết nối lại với đối tác và làm hồ sơ đề nghị tái sản xuất...

Nhiều lao động còn ở trong khu vực cách ly, hạn chế lưu thông.

Người lao động chờ việc làm

Chị Nguyễn Thị Kiều (31 tuổi, làm công nhân trong khu công nghiệp Mỹ Phước 3, thị xã Bến Cát, Bình Dương) cho biết, ở nhà đã 3,5 tháng nay. Công ty có khoảng 200 lao động thì chỉ hoạt động 50 người. “Chúng tôi đang chờ công ty gọi đi làm nhưng vẫn chưa thấy thông báo. Tiền tích trữ đã tiêu hết, tôi và đồng nghiệp đang mong chờ công ty sản xuất bình thường trở lại để được đi làm và có thu nhập lo cho cuộc sống”- chị Kiều chia sẻ.

Trong khi đó, chị Bùi Thị Thanh (28 tuổi) - công nhân khu công nghiệp Mỹ Phước 1, thị xã Bến Cát - cho hay, chị làm ở công ty giày có khoảng 6.000 công nhân, hiện mới chỉ có vài xưởng hoạt động, mỗi xưởng 300 lao động.

Người lao động chờ công ty thông báo để đi làm trở lại.

Giải pháp trước mắt, về phía đơn vị dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Dương cho biết, tiếp tục đa dạng các kênh thông tin để kết nối lao động với nhà tuyển dụng.

Về phía UBND tỉnh Bình Dương cũng đang từng bước nới lỏng các quy định về phòng dịch, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ tái sản xuất để nguồn lao động trong các khu dân cư có thể sớm vào nhà máy làm việc. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tiêm vaccine mũi 2 để nâng cao sức đề kháng của người lao động để họ an tâm vào nhà máy sản xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn