MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Hoàng Văn Sáng mong sớm tìm được công việc phù hợp. Ảnh: Bảo Hân

Nghịch lý tuyển dụng lao động tại Bắc Giang

Bảo Hân LDO | 11/04/2023 09:05

Trong khi các doanh nghiệp tại Bắc Giang tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng hàng nghìn công nhân thì ghi nhận thực tế, nhiều người lao động vẫn gặp khó khăn khi tìm kiếm một công việc phù hợp. 

Một tháng vẫn chưa kiếm được việc làm 

Từ Lạng Sơn xuống Bắc Giang tối hôm trước, sáng hôm sau, Lưu Văn Điệp (sinh năm 2001) cùng bạn đến Khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) để tìm việc. 

Đứng trước cổng một công ty điện tử nằm trong khu công nghiệp, Điệp cho biết: “Tôi chờ để hỏi một lần nữa, nếu họ có tuyển thì tôi vào phỏng vấn. Trước đó, bên tuyển dụng bảo không tuyển nam lẻ, mà ưu tiên tuyển nữ; nếu một nam đi cùng một nữ thì được” - anh Điệp cho hay. 

Ở quê, anh Điệp làm nghề nông, gần như không có thu nhập. Anh chọn xuống Bắc Giang để làm công nhân vì tỉnh này nhiều khu công nghiệp, nhiều công ty, tiện xe đi lại, hơn nữa, anh đã có bạn đi làm ở đây. “Tôi hy vọng kiếm được công việc có thu nhập khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Nhưng tình hình này có vẻ khá khó kiếm được việc” - anh Điệp bày tỏ. 

Anh Hoàng Văn Sáng còn gặp nhiều khó khăn hơn. Từ Thái Nguyên xuống Bắc Giang gần 1 tháng nay, “săn” việc ở nhiều công ty tại Khu công nghiệp Đình Trám, Vân Trung nhưng nam thanh niên 22 tuổi này vẫn chưa kiếm được việc làm. 

“Nhiều công ty ưu tiên tuyển nữ, không tuyển nam. Có công ty thông báo là có tuyển, nhưng hôm sau đến lại nói là đã đủ, không tuyển nữa” - anh Sáng phản ánh. Số tiền vài triệu đồng “lận lưng” để chi tiêu trong lúc tìm việc làm đã dần teo tóp, nhưng chưa kiếm được việc, khiến nam thanh niên này rất sốt ruột. Mỗi tháng, riêng tiền thuê nhà, anh đã mất 1,1 triệu đồng, chưa kể tiền ăn, chi phí đi lại… 

“Tôi mong kiếm được công việc có thu nhập 8-10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tôi muốn công ty nơi mình làm việc phải có công việc ổn định, không bị rơi vào cảnh làm một thời gian rồi lại nghỉ” - anh Sáng nói.

Nhu cầu tuyển dụng lao động vẫn tăng

Ông Nguyễn Văn Huế - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang - cho biết, trong các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang có tình trạng sụt giảm lao động do một số doanh nghiệp bị giảm đơn hàng. Nhiều trường hợp hết hợp đồng lao động thì nghỉ làm và tìm công việc khác hoặc đi xuất khẩu lao động; nghỉ thai sản... Số lao động giảm chủ yếu ở doanh nghiệp may mặc, còn các công ty điện tử là không nhiều.

Tuy nhiên, song song với tình trạng này, vẫn có nhiều doanh nghiệp đầu tư mới, mở rộng sản xuất, mở rộng dây chuyền, có thêm đơn hàng, nên nhu cầu tuyển dụng vẫn tăng. 

Theo tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh vẫn có nhu cầu tuyển dụng lớn. Tính trong quý II/2023, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là Công ty TNHH Luxshare ICT với 10.000 công nhân. Một số công ty khác đăng ký tuyển dụng số lượng lớn như: Công ty TNHH Hana Micron Vina (1.060 người); Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam (1.011 người); Công ty TNHH Si Flex Việt Nam có nhu cầu tuyển dụng 1.000 công nhân sản xuất; Công ty TNHH JA Solar Việt Nam (404 người); Công ty Cổ phần May Xuất khẩu Hà Bắc (100 người)…  

Lý giải hiện tượng nhiều người lao động khó kiếm việc trong khu công nghiệp, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện nhiều người lao động phổ thông muốn vào làm việc doanh nghiệp có mức lương cao, môi trường làm việc tốt hơn. Tuy nhiên, những vị trí việc làm này thường có yêu cầu rất khắt khe: Phải có kinh nghiệm làm việc 3-5 năm, có kỹ năng về tay nghề… 

Theo ông Nguyễn Văn Huế, nếu doanh nghiệp chỉ tuyển lao động nam hoặc nữ, hoặc chỉ tuyển lao động từ 18-30 tuổi là vi phạm pháp luật. “Lao động chỉ cần đáp ứng về nhu cầu sử dụng lao động, đúng tuổi lao động, đúng quy định của pháp luật” - ông Huế nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn