MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người tham gia bảo hiểm xã hội mong muốn được hưởng quyền lợi đủ và kịp thời. Ảnh: Hương Giang

Nghiên cứu kỹ chính sách để đảm bảo quyền lợi người lao động

Thùy Linh LDO | 22/11/2023 13:30

Theo thống kê, sau 7 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, tổng số lượt người hưởng BHXH một lần là khoảng 4,5 triệu lượt người, trong đó có gần 1,3 triệu lượt người sau khi nhận BHXH một lần tiếp tục quay trở lại thị trường lao động.

Làm sao giữ chân người lao động lâu nhất trong hệ thống BHXH

Theo tờ trình về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, có hai phương án rút BHXH một lần.

Phương án 1 quy định việc hưởng một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Nhóm 1, đối với người lao động đã tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng có nhu cầu thì được nhận một lần.

Nhóm 2, đối với người lao động bắt đầu tham gia từ ngày luật sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến ngày 1.7.2025) thì không được nhận một lần. Chỉ giải quyết hưởng một lần trong các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.


Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Chia sẻ quan điểm về hai phương án này, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho biết: khi bổ sung quy định này vào Luật BHXH cần phải đánh giá kỹ tác động, cân nhắc, tính toán kỹ càng hiệu quả của chính sách rút BHXH 1 lần, tránh việc đưa ra quy định mà người lao động lại hiểu rằng rút BHXH một lần mà sau này về già vẫn được hưởng chế độ trợ cấp BHXH thì tội gì chẳng rút, có khó khăn thì cứ rút.

“Để đảm bảo an sinh xã hội, lo lắng cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu thì chúng ta hạn chế rút BHXH 1 lần là tốt nhất. Tuy nhiên cũng cần tính toán thực tế, người lao động trong nhiều hoàn cảnh dẫn đến khó khăn về tài chính, yêu cầu buộc họ phải rút. Vì thế phải có cân nhắc, tính toán” - ông Nghĩa nói.

Theo đại biểu Nghĩa, lao động rút BHXH một lần do khó khăn về kinh tế, hoặc chưa có đầy đủ thông tin nên thiếu tin tưởng vào chính sách, lo lắng sự an toàn của quỹ.

Theo khảo sát tháng 4.2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trên 40% lao động rút BHXH một lần để tiêu dùng cho cuộc sống bản thân, gia đình, trên 40% dùng để trả nợ. Số tiền này sẽ hết trong thời gian ngắn.

Vì vậy, theo đại biểu, để hạn chế rút BHXH 1 lần thì nên cho rút nhiều lần, giãn tiến độ ra. Đánh giá cả hai phương án đều chưa tối ưu, ông Nghĩa đề nghị không thiết kế thành hai phương án mà chỉ nên có một phương án với nhiều phương thức lựa chọn. Ông Nghĩa gợi ý tách quỹ hưu trí bắt buộc thành hai phần. Trong đó phần bắt buộc đóng ở mức sàn để bảo đảm an sinh xã hội. Lao động không có quyền rút phần bắt buộc nhưng được rút phần còn lại.

Cần tính toán kỹ lưỡng tỉ lệ được rút BHXH một lần

Đại biểu Tạ Thị Yên - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên - cho rằng, tôi nghiêng về phương án 2, đảm bảo về mục tiêu đảm bảo lâu dài, bền vững an sinh xã hội cho mọi người dân.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói: Chế độ hưu trí là trụ cột của hệ thống an sinh. Người lao động rời bỏ hệ thống sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho Nhà nước và xã hội. Vì vậy, dự thảo cần có biện pháp để người lao động ở lại hệ thống lâu hơn, giúp họ có động lực hưởng lương hưu.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, bà cũng ủng hộ đề xuất giảm lợi ích từ việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần theo phương án 2 của điểm đ tại Điều 77. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị mức rút bảo hiểm xã hội không phải là 50%, mà tương ứng với mức đóng bảo hiểm của người lao động (8%), để người lao động chỉ có thể rút khoản tiền họ đóng vào quỹ, còn khoản tiền mà người sử dụng lao động đóng (14%) sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn