MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp may mặc ở Hà Tĩnh thiếu đơn hàng nên rất khó khăn. Ảnh: Trần Tuấn.

Nghìn công nhân may ở Hà Tĩnh mất việc vì khó khăn, thiếu đơn hàng

TRẦN TUẤN LDO | 21/11/2023 16:54

Hiện nay, hoạt động của các công ty may mặc ở Hà Tĩnh đang rất khó khăn do thiếu đơn hàng, không có đơn hàng nên nhiều công ty đã cắt giảm lao động, tệ hơn, đã có công ty phải tạm ngừng hoạt động.

Ngày 21.11, ông Hoàng Văn Thư - Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn) - cho biết, đến thời điểm này Công ty CP May Thiên Thành Five Star (ở Khu công nghiệp Đại Kim, xã Sơn Kim 1) vẫn chưa hoạt động trở lại.

Trước đó, từ ngày 1.11, Công ty CP May Thiên Thành Five Star đã tạm ngừng hoạt động khiến 300 công nhân phải tạm nghỉ việc. Nguyên nhân phải tạm ngừng hoạt động được phía công ty này đưa ra là do không có đơn hàng, khó khăn không thể duy trì hoạt động để chi trả mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng cho 300 công nhân.

Lãnh đạo công ty hứa với các công nhân là sẽ cố gắng tìm kiếm đơn hàng để đưa công ty hoạt động trở lại. Người lao động, đại diện chính quyền địa phương hi vọng công ty sớm hoạt động trở lại nhưng hiện vẫn chưa có thông tin nào.

“Chúng tôi mong chờ công ty may sớm hoạt động trở lại vì công nhân của công ty có rất nhiều người là con em địa phương. Họ mất việc, gia đình mất thu nhập khiến đại diện chính quyền địa phương cũng rất buồn” - ông Thư chia sẻ.

Công ty may Thiên Thành Five Star đã tạm ngừng hoạt động gần 1 tháng nay. Ảnh: Trần Tuấn

Tại Công ty may Haiviha (ở thị xã Hồng Lĩnh) thời gian qua cũng gặp khó khăn về đơn hàng nên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp này giảm, số lao động giảm hàng trăm người trong khi công ty chưa tuyển dụng bổ sung.

Một cán bộ công ty cho biết, đầu năm 2023, số công nhân của công ty là 1.800 người thì nay chỉ còn 1.300 người. Mức lương bình quân của công nhân đạt hơn 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện tình hình về đơn hàng cuối năm đang khó khăn, chưa có sự cải thiện nên Công ty may Haiviha đang thực hiện điều chuyển lao động cục bộ giữa các bộ phận để phần nào hạn chế lãng phí nhân công giữa các bộ phận nhiều, ít đơn hàng.

Tại các công ty may khác ở Hà Tĩnh như: Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh, Công ty CP May xuất khẩu MTV (Cụm Công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên), Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh... cũng gặp khó khăn chung của ngành dệt may trong cả nước.

Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Tĩnh, tại tỉnh này hiện có 6 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng dệt may với hơn 3.500 lao động, giảm hơn 1.000 lao động so với năm 2022.

Qua khảo sát, đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may Hà Tĩnh hiện giảm khoảng 40% so với trước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn