MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sinh viên Học viện báo chí tuyên truyền thực nghiệm tại cơ sở. Ảnh: VĂN TRƯỜNG

Ngọn cờ về đào tạo báo chí truyền thông

XUÂN TRƯỜNG LDO | 09/06/2017 10:00
Ngày 10.6, Khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ long trọng kỷ niệm 55 năm thành lập. Với chức năng, nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ báo chí - truyền thông cho hệ thống chính trị Việt Nam và bạn bè quốc tế ở các bậc học từ bồi dưỡng và đào tạo ngắn hạn, đại học, thạc sĩ đến tiến sĩ, nghiên cứu học thuật, Khoa Báo chí luôn là ngọn cờ đầu về đào tạo báo chí truyền thông tại Việt Nam.
Đi đầu trong đào tạo, nghiên cứu báo chí truyền thông

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Dững - Chủ nhiệm Khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), trong 55 năm qua, Khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã đào tạo cho đất nước và bạn bè quốc tế hơn 13.000 nhà báo qua các hệ đào tạo cử nhân, sau đại học và hệ bồi dưỡng, tập huấn ngắn ngày tại cơ sở đào tạo hay tại cơ quan báo chí, địa phương ở các khu vực khác nhau. 

Nhiều nhà báo, nhà khoa học trưởng thành từ Khoa Báo chí có uy tín, làm nồng cốt trong giới học thuật về báo chí - truyền thông cũng như đoạt nhiều giải thưởng cao quý về nghiên cứu khoa học, báo chí, văn học - nghệ thuật cấp quốc gia, quốc tế. Với phương châm “Bản lĩnh - Phong cách - sáng tạo”, Khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) luôn phấn đấu giữ vững thương hiệu là ngọn cờ đầu trong đào tạo, nghiên cứu khoa học về báo chí và truyền thông ở Việt Nam, nhất là trong quá trình đất nước bước vào thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Bắt đầu từ năm 1968, Khoa Báo chí được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình và chiêu sinh đào tạo khóa đại học đầu tiên hệ chính quy tập trung 4 năm (1969 -1973) với gần 200 học viên chủ yếu là các cán bộ, phóng viên trẻ ở các cơ quan báo chí, cơ quan tuyên huấn dân sự và lực lượng vũ trang… Năm cuối trước khi tốt nghiệp, 53 anh chị em học viên (bao gồm 31 học viên lớp báo chí và 22 học viên lớp xuất bản Khóa 1 đã được gọi lên đường nhập ngũ, vào Nam tham gia chiến dịch Quảng Trị năm 1972 cho tới giải phóng miền Nam và Chiến dịch Hồ Chí Minh. 

Theo đánh giá của cơ quan chức trách, nhiều người trong số đó đã lập công xuất sắc, góp phần viết nên những trang sử vàng của khoa, của học viện và của truyền thống nền báo chí cách mạng Việt Nam. Sau năm 2003, nhà trường tách Khoa Báo chí thành Khoa Báo chí và Khoa Phát thanh và Truyền hình. Đội ngũ cán bộ cơ hữu từ gần 40 người được chia đôi. Từ đây, mạng internet cùng với hoạt động truyền thông - quan hệ công chúng (public relations - PR) bùng nổ đặt ra nhiều thách thức gay gắt cho hoạt động báo chí. 

Khoa Báo chí đã nắm và đón bắt các vấn đề mới, nhu cầu mới với phương pháp tiếp cận mới theo hướng “đào tạo báo chí đáp ứng nhu cầu xã hội”; từ đó phát triển năng lực đào tạo của khoa đáp ứng tình hình và yêu cầu mới của sự phát triển. Khoa đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị bên ngoài mở hàng chục lớp đào tạo nhân lực truyền thông - PR; tăng cường các lớp đào tạo, tập huấn ngắn ngày để cập nhật kiến thức và kỹ năng làm báo hiện đại cho các nhà báo; đồng thời chú trọng đào tạo ngắn ngày cho những ai có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp và yêu thích hoạt động báo chí - truyền thông. Đây là hướng đi đúng của hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học báo chí trong môi trường truyền thông mới trong nền kinh tế - xã hội chuyển đổi.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, giữ vững thương hiệu

PGS.TS Trương Ngọc Nam - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học Viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, Nhiều năm qua, Học viện đã thiết lập được mối quan hệ khá bền chặt với nhiều cơ sở đào tạo báo chí quốc tế, như: Đại học Truyền thông Trung Quốc; Đại học Truyền thông Luân Đôn, Đại học Middlsex (Vương quốc Anh), Đại học Tổng hợp Viên (Áo), Đại học Truyền thông Stockhom (Thụy Điển), Đại học Truyền thông Bon (Đức), Tổ chức Jaika (Nhật Bản), Tổ chức Koica (Hàn Quốc)... Đây là nhân tố không thể thiếu mà Học viện, trong đó có Khoa Báo chí giữ vai trò chính, đang triển khai nhiều dự án hợp tác quốc tế.

Cũng theo PGS.TS Trương Ngọc Nam, để giữ vững thương hiệu hàng đầu về đào tạo báo chí truyền thông ở Việt Nam, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện rất quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hiện đại phục vụ quá trình giảng dạy và học tập của sinh viên ngành báo chí. Song, điều căn bản nhất vẫn là không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, gắn giảng dạy với làm nghề. 

Hàng năm, giảng viên Khoa Báo chí đều được bố trí đi thực tế dài hạn ở các cơ quan báo chí trong cả nước. Học viện hiện nay cũng như một “cơ quan báo chí”, vì có đầy đủ các cơ sở thực hành với 1 Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông, 1 website Học viện Báo chí và Tuyên truyền (ajc.hcm.vn), 1 website: Sóng trẻ (songtre.vn), 1 website Báo chí với trẻ (cmvn.vn), 1 Tòa soạn Đặc san Báo chí Trẻ, 1 studio truyền hình, 1 studio phát thanh… được trang bị hiện đại. Thầy và trò có điều kiện trực tiếp làm nghề, sản xuất các sản phẩm truyền hình, phát thanh, tờ báo in, trang web... ngay tại Học viện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn