MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Hải là một trong hàng trăm nghìn người lao động bị mất việc, giảm việc, giãn việc quý II/2023. Ảnh: Lương Hạnh

Ngóng việc làm từng ngày

LƯƠNG HẠNH LDO | 07/07/2023 09:27

Dãy trọ nằm tại thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) có 12 phòng trọ cho công nhân thuê thì có đến 10 phòng đóng cửa im ỉm. Ngoài số ít công nhân vùi mình vào giấc ngủ sau ca làm đêm, thì những người còn lại đều “ôm” điện thoại, chờ đợi việc làm hoặc được tăng ca.

Hàng trăm nghìn lao động bị ảnh hưởng

Tổng cục Thống kê cho biết, lực lượng lao động, lao động đang làm việc quý II/2023 tăng so với quý trước. Tuy nhiên, thị trường lao động việc làm vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất. Tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp diễn, có xu hướng chuyển dịch sang khu vực phi chính thức.

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng đã diễn ra từ quý IV năm 2022 và tiếp tục tiếp diễn sang quý II/2023.

Từ đó dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.

Nhắc đến việc làm, chị Đặng Thị Nhi (22 tuổi, quê Tuyên Quang) chỉ thở dài. Bởi, đã từ lâu, việc làm thêm giờ với những công nhân trong công ty chị trở thành chuyện xa vời.
“Sốt ruột lắm! Tôi không biết phải chờ việc đến bao giờ” - nữ công nhân tâm sự.

Ra Hà Nội làm công nhân được 3 năm, cả tiền lương lẫn phụ cấp của chị chỉ khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng nếu đi làm đều đặn. Hiện nay, một tuần, chị chỉ được đi làm 4 ngày, không được tăng ca, làm thêm khiến đồng lương hạn hẹp hơn bao giờ hết.

Chi phí thuê trọ, tiền điện, nước khiến chị phải tiêu tốn hơn 800.000 đồng/tháng. Chưa kể, chị thường xuyên phải gửi một phần tiền lương về quê đỡ đần bố mẹ nuôi em trai học cấp 3. Trong căn phòng trọ chừng 15 m2, ngoài thú vui là chiếc điện thoại thông minh cùng các ứng dụng mạng xã hội, nữ công nhân này cũng không biết làm gì hơn để “giết” thời gian.

Vẫn tốt hơn là không có việc làm

Chị Lê Thị Bích Hải (Phú Thọ) - công nhân Khu công nghiệp Thăng Long - vẫn được đi làm ca hành chính. Chị Hải đã có hơn 5 năm làm công nhân tại một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, hiện chị hưởng mức lương 5,5 triệu đồng tháng. Tình trạng công ty thiếu đơn hàng khiến chị từ một công nhân có số giờ làm thêm nhiều gần nhất phân xưởng đến chuyển sang làm ca hành chính, không có thêm khoản thu nào.

Chồng chị Hải làm nghề bán hoa quả rong, trước đây, chị Hải cũng từng tính đến chuyện xin việc cho chồng vào làm cùng công ty. Tình trạng việc làm hiện tại khiến chị bỏ ngay suy nghĩ ấy.

“Không được làm thêm vẫn đỡ hơn là không có việc làm. Nếu bây giờ không làm công nhân, tôi không biết làm công việc gì khác. Và cũng không có tiền gửi về quê cho ông bà nội nuôi con” - chị Hải tâm sự.

Ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội - cho biết, để đảm bảo được các mục tiêu giải quyết việc làm cho 162.000 lao động, tỉ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%, sở này đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của thành phố, cơ quan, ban, ngành địa phương.

Đồng thời, sở cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động.

Tăng cường kết nối cung cầu, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Sàn giao dịch việc làm thành phố.

Tích cực hỗ trợ, duy trì việc làm ổn định cho người lao động và thực hiện tốt phúc lợi xã hội. Xây dựng hoàn thiện hệ thống dữ liệu về thị trường lao động để tăng cường hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, giảm tỉ lệ thất nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn