MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Phạm Trần Xuân Anh (áo xanh đậm) thăm khám cho người bệnh. Ảnh: Nguyên Thi

Người bác sĩ nỗ lực giúp bệnh nhân giảm chi phí điều trị, tiếp thêm hy vọng

NGUYÊN THI LDO | 24/11/2023 06:00

Nhiều năm qua, dù ở cương vị nào, từ người bác sĩ trực tiếp điều trị cho người bệnh cho đến tham gia ban lãnh đạo, bác sĩ Phạm Trần Xuân Anh - Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng - luôn nỗ lực nghiên cứu, đưa ra các sáng kiến y học. Tất cả là để tìm ra những phương pháp điều trị tối ưu, giúp giảm chi phí điều trị, tiếp theo hy vọng cho người bệnh.

Công tác trong ngành Y tế đã hơn 30 năm, bác sĩ Phạm Trần Xuân Anh đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh bệnh nhân nghèo, khó khăn, ở xa mắc bệnh hiểm nghèo nên ông luôn trăn trở làm sao để có thể tối ưu hóa việc điều trị, giúp người bệnh giảm chi phí để tiếp thêm hy vọng cho họ.

Vì vậy, ông Xuân Anh luôn chủ động, tích cực cùng với đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng đề xuất nhiều giải pháp, sáng kiến khoa học thiết thực. Các đề tài nghiên cứu của ông và đồng nghiệp đã góp phần tăng tỉ lệ điều trị thành công và giảm các chi phí.

Bác sĩ Xuân Anh cùng các đồng nghiệp luôn nghiên cứu, tìm phương án điều trị tối ưu, giảm chi phí cho người bệnh. Ảnh: Nguyên Thi

Mới đây nhất, bác sĩ Xuân Anh và đồng nghiệp vừa nhận được Bằng lao động sáng tạo do Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng cho công trình nghiên cứu cải tiến kỹ thuật Nuss điều trị lõm ngực bẩm sinh.

Lõm ngực bẩm sinh không phải là căn bệnh hiếm gặp, mỗi năm tại khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện trung bình khoảng 45 trường hợp phẫu thuật nâng ngực lõm bẩm sinh.

Lõm ngực bẩm sinh là tình trạng lõm vào của xương ức, xương và sụn sườn từ số 3 đến số 7 gây ra. Bệnh gây chèn ép đến các cấu trúc bên dưới như tim, phổi, gây biến dạng lồng ngực, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người bệnh.

Hiện nay, phương pháp phẫu thuật Nuss, phẫu thuật can thiệp tối thiểu được áp dụng thường xuyên khi điều trị bệnh lõm ngực bẩm sinh. Dù vậy, phương pháp này có nhiều hạn chế.

Với việc cố định thanh bằng các mũi chỉ thép thì sau một thời gian, sợi chỉ thép mảnh có thể bị đứt. Đối với mảnh chỉ đứt nằm trong lồng ngực có thể rơi ra, trôi tự do và có thể đâm vào nhu mô phổi. Những mảnh chỉ đứt nằm ngoài lồng ngực sẽ gây ra tình trạng di lệch thanh, làm giảm hiệu quả của ca mổ.

Trước thực tế đó, nhóm của bác sĩ Xuân Anh đã bắt tay nghiên cứu đưa ra nhiều cải tiến cho phương pháp Nuss nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, khắc phục biến chứng di lệch thanh, loại bỏ tình trạng đứt chỉ thép ở đầu thanh, qua đó loại trừ tình trạng sót chỉ thép sau mổ, giảm đau sau mổ cho người bệnh.

Phương pháp này giờ đây đã giúp bệnh nhân có thể ngồi dậy đi lại sớm hơn, thời gian nằm viện rút ngắn hơn. Đặc biệt, mức chi phí mà bệnh nhân phải chi trả cho cuộc phẫu thuật cũng được giảm xuống.

Nếu trước đây, bệnh nhân phải trả phí từ 450.000-900.000 đồng thì nay, bệnh nhân chỉ trả phí sử dụng 1 cây đinh Kirschner là 95.000 đồng, giúp giảm gánh nặng tài chính, tiết kiệm chi phí đi lại trong trường hợp phải nhập viện mổ do những biến chứng của việc sót chỉ thép gây ra.

Bác sĩ Xuân Anh chia sẻ, để có được công nhận của ngành, bảo vệ đề tài trước hội đồng chuyên môn, các bác sĩ tham gia đều mày mò, đào sâu nghiên cứu vấn đề. Sau khi bảo vệ thành công phương pháp này, ê-kip thực hiện phẫu thuật đã phối hợp nhuần nhuyễn với nhau để mang đến thành công cho quá trình điều trị bệnh thực tế.

Tâm sự về câu chuyện nghề, với người bệnh, bác sĩ Xuân Anh chia sẻ, khi một người nhân viên y tế nuôi dưỡng tình yêu và niềm đam mê với nghề, luôn đặt câu hỏi vì sao, phải làm sao trước những vấn đề nan giải trong công tác chuyên môn, từ đó ý thức sẽ thôi thúc bản thân tìm tòi câu trả lời và bắt tay vào nghiên cứu khoa học.

“Tôi tâm niệm bản thân sẽ luôn nỗ lực hết mình để tìm được phương pháp tốt hơn điều trị cho bệnh nhân, xứng đáng với những niềm tin, mong mỏi mà người thân bệnh nhân gửi gắm” - bác sĩ Phạm Trần Xuân Anh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn