MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Nguyễn Thanh Thảo. Ảnh: CÔNG HIỀN

Người biến ánh nắng thành tiền

VÕ CÔNG HIỀN - VP Cty Điện lực Gia Lai LDO | 02/07/2017 06:38
Mô hình sử dụng năng lượng mặt trời phục vụ điện sinh hoạt trong gia đình của kỹ sư Nguyễn Thanh Thảo (Phòng kỹ thuật Cty Điện lực Gia Lai - PC Gia Lai) đã góp phần tiết kiệm nguồn điện năng truyền thống và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời, để thay thế lượng điện tương đương sản xuất ra từ các nguyên liệu hóa thạch (than, sản phẩm dầu) đang ngày càng cạn kiệt. 
Đồng thời với hệ thống này, số tiền gia đình anh Thảo phải trả đã giảm 3/4 so với dùng điện lưới trước đây.

Bỏ tiền túi thực hiện ý tưởng

Trước thực tế nhu cầu điện ngày một tăng cao, vượt mức tăng trưởng của nguồn điện, để đảm bảo nguồn điện phục vụ đời sống và sản xuất, PC Gia Lai nói riêng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền khách hàng sử dụng an toàn, tiết kiệm. Là người được đào tạo chuyên môn về điện lại công tác trong ngành điện, anh Nguyễn Thanh Thảo đã nghiên cứu áp dụng những cái mình đã được học để thực hiện nghiên cứu, lắp đặt và đưa vào sử dụng năng lượng mặt trời phục vụ điện sinh hoạt trong gia đình, nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí trong gia đình, đồng thời tuyên truyền cho nhân dân hướng đến sử dụng nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Để biến ý tưởng của mình thành hiện thực, sau khi mày mò nghiên cứu một cách bài bản, anh Thảo đã mạnh dạn bỏ tiền túi để đầu tư trên 25 triệu đồng nhằm thực hiện ý tưởng mà bấy lâu mình đeo đuổi.

Nói thì vậy, nhưng để biến ý tưởng trở thành hiện thực không hề đơn giản chút nào. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Thanh Thảo cho biết, việc sử dụng điện từ nguồn năng lượng mặt trời, không phải là mới ở nước ta, các nhà chuyên môn đã nghiên cứu ứng dụng và lắp đặt ở những khu vực không thể kéo lưới điện quốc gia đến những nơi này từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, đối với những nơi lưới điện quốc gia đưa đến tận nhà, hầu như không ai quan tâm đến nguồn năng lượng này. Bởi, hầu hết người dân cho rằng ngày nay điện lưới quốc gia kéo về tận nhà, chỉ cần đầu tư chưa đến 1 triệu đồng là có điện dùng. 

Chính vì thế, khi tôi triển khai ý tưởng, gia đình và bạn bè không mấy ủng hộ. Song những điều đó không thể cản trở quyết tâm của anh Thảo; anh đã nghiên cứu tài liệu, khảo sát và tìm hiểu mô hình một số nơi và tranh thủ thời gian ngày nghỉ anh đến một số tiệm bán đồ ở Gia Lai, đồng thời vào tận TP.Hồ Chí Minh tìm mua những thiết bị cần thiết. Sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện, anh Thảo hoàn thành đưa vào sử dụng đúng thời điểm chào mừng ngày thành lập Khoa điện Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng - nơi anh từng học tập... Thật là món quà mừng các sự kiện trên đầy ý nghĩa!

Đến thành công ban đầu

Đưa chúng tôi đi tham quan mô hình, anh Thảo cho biết: Hệ thống năng lượng mặt trời anh lắp đặt gồm: 4 tấm pin mặt trời được lắp đặt trên mái nhà, có diện tích toàn bộ bề mặt khoảng 2,5m2, giàn pin mặt trời có công suất 400W; bộ biến áp kỹ thuật số inverter loại DA 1.000VA, hệ thống tự động chuyển mạch từ nguồn năng lượng mặt trời sang lưới điện quốc gia khi nguồn năng lượng mặt trời thiếu, nguồn điện này đủ cung cấp điện chiếu sáng cho một gia đình sử dụng trong điều kiện khí hậu của Tây Nguyên.

Qua thời gian sử dụng, cho thấy hệ thống điện sử dụng năng lượng mặt trời hoạt động khá tốt, không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn điện lưới quốc gia. Hiện nay, các thiết bị chiếu sáng, bình nước nóng trong gia đình anh Thảo hoàn toàn bằng tấm năng lượng mặt trời, tiền điện trả hằng tháng giảm được gần 3/4 so với trước đây. Việc sử dụng nguồn năng lượng mặt trời đem lại nguồn sáng ngay cả khi không có nguồn lưới hay bị mất nguồn lưới nên không xảy ra hiện tượng mất điện trong những lúc cao điểm - anh Thảo cho biết thêm.

Anh Nguyễn Thanh Thảo tâm sự, để các sản phẩm từ năng lượng mặt trời được ứng dụng rộng rãi, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển ngành năng lượng mới này lên quy mô công nghiệp… Phía các nhà sản xuất, nên quan tâm hơn về giá, vì hiện nay số tiền bỏ ra đầu tư ban đầu tương đối lớn đối với một hộ gia đình ở Việt Nam.

Khiêm tốn, ít nói về mình đó là phẩm chất của Nguyễn Thanh Thảo. Vì thế, khi chúng tôi hỏi về bản thân thì anh Thảo chỉ cười với nụ cười hiền khô. A nhỏ nhẹ: Tốt nghiệp kỹ sư Điện, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng năm 1998; sau đó anh về làm việc tại Phòng Kỹ thuật của Cty Điện lực Gia Lai. Quá trình làm việc, được sự tạo điều kiện của lãnh đạo Cty, sự hỗ trợ của đồng nghiệp và được làm việc đúng chuyên ngành, nên anh có điều kiện phát huy năng lực của mình. Chính sự khiêm tốn này mà khi tiếp xúc tôi càng thêm quý mến anh hơn; hơn cả những gì anh say mê cống hiến trong công việc mà tôi từng được nghe đồng nghiệp kể lại.

Chia tay Nguyễn Thanh Thảo với cái bắt tay thật chặt, tôi chúc anh giữ mãi ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học, cống hiến cho cộng đồng, tất cả vì một hành tinh xanh hôm nay và mai sau!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn