MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Giám đốc EVNHCMC Nguyễn Văn Thanh (bên trái) tặng hoa, chúc mừng ông Trương Thái Sơn. Ảnh: Nam Dương

Người công nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động

Nam Dương LDO | 05/12/2020 10:45
Những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của ông Trương Thái Sơn không chỉ làm lợi cho ngành Điện mà còn giúp cho người lao động giảm được công sức và an toàn hơn khi làm việc.

Ông Trương Thái Sơn - công nhân (CN) Đội Quản lý lưới điện, Công ty (Cty) Điện lực Chợ Lớn, TCty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) - đã có quyết định được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đây là CN trực tiếp thứ hai của EVNHCMC được phong tặng danh hiệu cao quý này trong 35 năm qua.

Làm lợi cho doanh nghiệp, tiết kiệm sức của công nhân

Tôi gặp ông Sơn khi đang cùng đồng nghiệp kiểm tra một tủ điện trung thế trên đường Võ Văn Kiệt, Quận 5. Đã 60 tuổi, nhưng ông còn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Sau khi tốt nghiệp CN kỹ thuật điện, ông về làm ở Nhà máy điện Chợ Quán, đến năm 2001 thì chuyển về Cty Điện lực Chợ Lớn. Là CN trực tiếp, nên các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của ông đã giúp tiết kiệm, làm lợi cho ngành Điện và đặc biệt giúp cho NLĐ được an toàn, thuận lợi trong khi làm việc.

Ông Sơn kể, trước đây, các khách sạn, chung cư thường hay sử dụng máy biến thế dầu (dùng dầu làm vật cách điện), nếu có sự cố thì rất nguy hiểm vì dầu là dung dịch gây cháy. Khi có máy biến thế khô, nhu cầu thay thế máy biến thế dầu rất lớn. Tuy nhiên, hai máy biến thế này có thiết kế khác nhau nên để kết nối được máy mới với hệ thống cáp điện ngầm cũ khá phức tạp, có khi phải đào hệ thống cáp ngầm cũ lên.

Ông Sơn suy nghĩ, thử nghiệm nhiều lần và đề xuất thiết kế bảng điện để đấu nối giữa máy biến thế khô với hệ thống cáp ngầm trung, hạ thế của các công trình, nên không cần phải đào xới, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Chưa hết, do máy biến thế nặng, không gian thi công chật hẹp, CN phải dùng sức để nâng máy nên vất vả, nguy hiểm. Ông Sơn đã nghĩ ra cách dùng các khung sắt gắn vào tường rồi treo máy biến thế lên, rất thuận tiện cho việc đấu nối cáp và không tốn sức của CN.

Một sáng kiến nữa cũng được ông Sơn rất tâm đắc là cải tiến hoàn chỉnh một trạm biến áp lưu động 560 kVA để phục vụ công tác quản lý lưới điện, công tác ngầm hóa công trình lưới điện. Quận 5 là một trong 3 quận đầu tiên của TPHCM được thí điểm ngầm hóa lưới điện. Việc cải tiến thành công Trạm biến áp lưu động 560 kVA có 3 FCO để bảo vệ cáp trung thế, giúp cho công tác đấu nối điện hotline được tuyệt đối an toàn, đã góp phần làm cho công tác ngầm hóa lưới điện và quản lý, vận hành lưới điện của Cty Điện lực Chợ Lớn rồi sau này nhân rộng ra nhiều quận ở TPHCM được thuận lợi và an toàn, giảm thời gian mất điện cho khách hàng. “Sáng kiến đã tiết kiệm cho đơn vị khoảng 300 triệu đồng” - ông Sơn tự hào nói.

Ngoài ra, các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật như: “Cải tiến, thay thế để sửa chữa kềm ép thủy lực 12T dùng pin” làm giảm chi phí mua sắm thiết bị 500 triệu đồng; “Cải tạo phục hồi các kềm ép tay thủy lực 12 tấn đã thanh lý để sử dụng lại” giúp tăng hiệu quả làm việc, tăng năng suất lao động làm lợi khoảng 150 triệu đồng; Sáng kiến “Chống chim đậu trên đà trung thế gần điểm hở” làm lợi khoảng 100 triệu đồng…

Tận tình chỉ dẫn cho thế hệ sau

Trưởng thành từ một người thợ, nên ông Sơn thấu hiểu và luôn gần gũi, tận tình chỉ bảo cho các CN trẻ mới vào nghề những kinh nghiệm, hiểu biết của mình để cùng nhau làm việc tốt hơn. “Tôi luôn nhắc nhở anh em phải coi trọng việc bảo đảm an toàn khi làm việc, ra công trường phải giám sát bảo vệ lẫn nhau vì chỉ sơ sẩy một chút là có thể nguy hiểm đến tính mạng” - ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Tổng Giám đốc EVNHCMC - đã đánh giá cao nhưng đóng góp của ông Sơn, đồng thời đề nghị ông tiếp tục dìu dắt các thế hệ CN trẻ của ngành Điện TPHCM và đóng góp cho ngành. Với những đóng góp của mình, ông Sơn đã được nhận nhiều Bằng khen của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, được trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2014, Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2018…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn