MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Tổ trưởng tổ dân phố 37, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) bên con trai của một công nhân làm việc tại khu công nghiệp Hòa Khánh. Ảnh: Nguyễn Linh

Người đàn ông “vác tù và” chục năm lo cho công nhân

Nguyễn Linh LDO | 09/07/2024 09:07

Theo UBND Phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), địa phương này hiện có khoảng hơn 50% là người dân ngoại tỉnh đến tạm trú để học tập, làm việc. Chính vì vậy tình hình an ninh trật tự tại các dãy nhà trọ, nhà ở công nhân luôn được chính quyền địa phương quan tâm hàng đầu. Trong đó Tổ trưởng tổ dân phố, Tổ trưởng tổ công nhân tự quản đóng vai trò là cầu nối giữa chính quyền sở tại và người dân tạm trú.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, 64 tuổi là Tổ trưởng tổ dân phố 37 (phường Hòa Khánh Bắc) và cũng là Tổ trưởng tổ công nhân tự quản số 1 chính là chiếc cầu nối ấy.

Đề cao ý thức giữ gìn trật tự

Có thể cảm nhận được một bầu không khí cảnh giác gần như thường trực khi chúng tôi tìm đến đường Bàu Mạc 18, phường Hòa Khánh Bắc, TP Đà Nẵng để hỏi thăm nhà ông Nguyễn Thanh Dũng, 64 tuổi, Tổ trưởng tổ dân phố 37 (phường Hòa Khánh Bắc).

Thậm chí, khi chúng tôi bắt chuyện với một phụ nữ tên Mai, tầm 60 tuổi ở trong khu nhà trọ, muốn hỏi thăm về ông Dũng thì bị từ chối, bảo phải gặp và trao đổi với ông Dũng trước, có sự đồng ý của ông thì mới trả lời chúng tôi được.

Sở dĩ bà Mai yêu cầu chúng tôi nói chuyện với ông Dũng trước vì đây là khu vực tập trung đông đúc công nhân, người lao động từ các địa phương khác đến tạm trú, tìm việc làm nên an ninh khu vực này thường rất phức tạp. Vì vậy ông Dũng thường xuyên nhắc nhở mọi người phải đề cao cảnh giác với người lạ, không được cung cấp thông tin cho bất cứ ai.

Bà Mai quê tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam năm nay đã 60 tuổi. Những năm còn sức khỏe, bà Mai thường đi theo công trình, làm các công việc nặng nhọc như vác gạch, trộn vữa để kiếm sống qua ngày. Tuy nhiên từ sau khi dịch bệnh xảy ra, sức khỏe bà Mai không còn như trước, không thể nhanh nhẹn hay bưng bê vật nặng. Cuộc sống vì thế mà khó khăn hơn.

Thương cho hoàn cảnh đơn chiếc một thân một mình của bà Mai, ông Nguyễn Thanh Dũng đã miễn phí tiền thuê trọ hơn 3 năm nay.

Sức khỏe có phần giảm sút, không thể làm được nhiều việc nên tiền ăn tiền trọ khiến bà Hồ Thị Mai (một người dân tạm trú tại dãy nhà trọ tại phường Hòa Khánh Bắc) lo đau đáu. Ảnh: Nguyễn Linh

Được xem như người cha

Nhớ lại giai đoạn khi dịch COVID-19 bùng phát dữ dội tại Đà Nẵng, chỉ thị 16 được ban hành, toàn thành phố phải giãn cách, người dân không được ra ngoài, không thể đi làm, cái ăn, cái mặc là điều khiến bà Mai trăn trở nhiều nhất.

“Lúc đó bản thân đã lớn tuổi, không có người thân ở bên cũng không thể ra ngoài để tìm việc làm. May lúc đó còn có vợ chồng ông Dũng và những người dân xung quanh nên mới vượt qua được giai đoạn khó khăn đó”, bà Hồ Thị Mai kể.

Bà Mai nhớ lại thời điểm thực hiện chỉ thị 16, mỗi ngày ông Dũng đều mang gạo, mì tôm, rau, đôi khi là cá, thịt và thuốc đến tận phòng trọ.

Trong lúc ngặt nghèo, bà Mai tưởng chừng như mình đã kiệt sức khi phải vừa lo tiền ăn, tiền trọ, tiền thuốc men vừa phải chống chọi với dịch COVID-19 mà không có người thân ở bên thì bất ngờ lại nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của ông Dũng.

Ông Nguyễn Thanh Dũng cười xòa khi nhắc về chuyện vui ở dãy trọ của những người công nhân xa quê. Ảnh: Nguyễn Linh

Không chỉ riêng bà Mai mà cạnh đó, chị Nguyễn Thị Kim Hiền, công nhân khu công nghiệp Hòa Khánh cũng xem ông Dũng như một người cha, người chú của mình. Hình ảnh ông Dũng tận tay bón từng muỗng cháo cho em Phở (con trai chị Nguyễn Thị Kim Hiền) không còn xa lạ với xóm trọ nhỏ nữa.

Bởi ở đây từ những người trung niên, trẻ nhỏ, công nhân hay học sinh, sinh viên đều xem ông Dũng như người thân trong gia đình. Không chỉ những việc to lớn mà cả những việc nhỏ nhặt như tường rào, cổng ngõ, lối thoát hiểm, phòng trọ, con cái của những công nhân ông Dũng đều lo toan rất tận tình chu đáo.

“Mỗi năm, chú Dũng đều sẽ dặn dò mọi người làm tạm trú, tạm vắng một lần. Tôi ở đây từ năm 2019 nhưng chưa bao giờ xảy ra một vụ trộm cắp”, chị Nguyễn Thị Kim Hiền nói.

Không những vậy, chị Hiền còn kể cho chúng tôi nghe về việc những đứa trẻ là con công nhân ngoại tỉnh đang sinh sống cùng bố mẹ trên địa bàn tổ công nhân tự quản số 1 đều được ông Dũng lên danh sách, chuẩn bị hồ sơ để đến trường như bạn bè cùng trang lứa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn