MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu chủ trì hội thảo. Ảnh: L.T

Người dân sẽ tham gia BHXH tự nguyện khi thấy hữu ích, tin tưởng

LÊ TUYẾT LDO | 08/11/2018 10:23
Để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện, nhà nước cần có chính sách khuyến khích, thu hút, tạo điều kiện cho người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Đây là kiến nghị của các đại biểu tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm khai thác và đề xuất giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện” do BHXH Việt Nam tổ chức tại TPHCM trong 2 ngày 6 - 7.11.

Hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng

Xác định đối tượng, lựa chọn thời gian hợp lý và chọn cách tuyên truyền phù hợp là kinh nghiệm các địa phương mang đến hội thảo. Đại diện BHXH tỉnh Đồng Tháp cho hay, để tổ chức một buổi gặp, tuyên truyền về BHXH tự nguyện đến với bà con, cơ quan này và Bưu điện tỉnh phải phối hợp với nhau, phân công nhiệm vụ, chính quyền xã, phường là người ký giấy mời bà con đến dự. Nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, không để bà con bị ảnh hưởng đến công việc.

Bà Nguyễn Thị Xuân - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk - chia sẻ kinh nghiệm: Ở Đắk Lắk, đối tượng mà đơn vị đặc biệt hướng đến là người thân của người đang tham gia BHXH bắt buộc. “Người đang tham gia BHXH bắt buộc là người có đi làm, có thu nhập hàng tháng, ổn định nhưng vợ/chồng của họ không tham gia. Mình sẽ vận động để người đi làm tham gia cho vợ/chồng của họ bởi như vậy sau khi về hưu cả hai vợ chồng đều an tâm vì có lương hưu và được chăm sóc y tế bằng BHYT” - đại diện đơn vị này chia sẻ. Bên cạnh đó, đặc thù của địa phương này có tới 34% dân số là người dân tộc thiểu số. Do vậy, ngoài giao chỉ tiêu cụ thể, cơ quan BHXH còn yêu cầu đội ngũ tuyên truyền viên phải luôn “bám làng, bám dân” thông qua các già làng, trưởng bản, những người có uy tín đối với bà con để qua đó tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện xuống bà con.

Bỏ ngay tư duy hành chính

Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay số người tham gia BHXH tự nguyện trong cả nước là 189.502 người, đạt 57,2% so với kế hoạch. Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, tỉ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn thấp so với tiềm năng: “Chúng ta chưa thực sự nỗ lực hết mình trong việc vận động người dân. Nói phải đi đôi với làm, hiện chúng ta có những báo cáo còn chung chung. Cán bộ làm công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện còn mang nặng tư duy hành chính”.

“Tại sao có những tỉnh thu nhập của người dân vẫn còn khó khăn nhưng tỉ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện cao, mời 100 người thì 70 người đến nghe, nghe xong có 50 người rút tiền tham gia luôn, trong khi có những địa phương tổ chức hội nghị mời mà chẳng có ai đến. Như vậy, quan trọng là cách làm. Chúng ta đã xác định được đối tượng cụ thể chưa? Đã có hình thức tuyên truyền vận động phù hợp chưa? Chứ không phải mời người dân đến, rồi đọc các quy định của pháp luật, phát quà rồi ra về. Mình cần nhìn nhận rõ là mình chưa làm, chưa nghĩ ra cách làm hay chứ không phải là làm không được…” - ông Trần Đình Liệu đặt vấn đề.

Theo ông Trần Đình Liệu, ngoài nội dung hay, hình thức phù hợp, mới mẻ, công tác tuyên truyền muốn hiệu quả cần chú ý đến những tiểu tiết đơn giản. Ví dụ thời điểm tổ chức hội thảo, nếu ở Tây Nguyên phải để bà con thu hoạch xong càphê, nếu ở miền Tây thời điểm tổ chức phải là sau vụ thu hoạch lúa, tôm, trái cây. Việc tuyên truyền cũng phải phù hợp với tập tục, tôn giáo của địa phương, dân cư ở đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn