MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người già không có lương hưu mong mỏi được nhận trợ cấp xã hội

Mạnh Cường - Minh Hương LDO | 16/02/2024 19:02

Với nhiều người cao tuổi không có lương hưu cuộc sống khi về già với họ vô cùng khó khăn. Hơn ai hết, họ mong mỏi được nhận thêm khoản trợ cấp để vơi đi nỗi lo cơm áo gạo tiền hằng ngày.

Bà Nguyễn Thị Đán (70 tuổi, Nam Định) cho biết, khi còn trẻ, hai vợ chồng bà tha hương lên Cao Bằng làm ăn, mãi đến năm 40 tuổi mới về quê. Vì tập trung vào kinh doanh nên ông bà không làm chính thức cho bất kỳ công xưởng nào. Đến khi về già không có lương hưu, nhìn người khác an nhàn mà chạnh lòng.

Bán rau là công việc mưu sinh của bà Đán mỗi ngày. Ảnh: Mạnh Cường.

Công việc kinh doanh cũng không được suôn sẻ như ý muốn. Bao nhiêu năm vất vả, hai ông bà chỉ dành dụm được ít vốn liếng. Để có thêm thu nhập lo cho tuổi già, mỗi ngày bà Đán dậy từ 3h30 sáng để hái rau đem ra chợ bán. Mùa đông trời lạnh hơn bà sẽ dậy từ 4h sáng sớm để kịp có đủ rau bán buổi sáng. Buổi chiều bà lại tất bật ra vườn làm cỏ, tưới nước, chăm sóc rau đến 17h mới nghỉ.

“5h30 sáng mọi người đã bắt đầu đi chợ nên tôi phải tranh thủ. Chậm nhất là 6 tiếng, tôi phải nhổ, cắt đủ 20 đến 30kg rau tùy loại, như thế mới có thu nhập ổn định” - bà Đán nói.

Khi được hỏi về thu nhập mỗi ngày từ việc bán rau, bà Đán chia sẻ thông thường sẽ bán đến 12h trưa rồi về, ế thì bán rẻ lại cho các sạp, cửa hàng chuyên về rau. Khi rau được giá, bán hết sớm thu nhập được khoảng 200.000 đồng/ngày, khi rau rẻ hoặc bán ế chỉ được tối đa 100.000 đồng/ngày.

Theo bà Đán, nếu tách lẻ công chăm sóc, tưới tiêu, nhổ, bó, bán rau hàng tháng trời… thì khi đến vụ thu hoạch, mỗi ngày chỉ được từ 50.000 - 80.000 đồng. So với hơn chục tiếng bỏ ra mỗi ngày, mức thu nhập này chẳng thấm vào đâu. Vì thế, bà Đán luôn phải ăn tiêu thật tiết kiệm để tránh lãng phí.

“Buổi trưa về, tôi chỉ dám mua 3 lạng thịt ăn cho cả ngày. Hôm nào mệt quá thì mua vài quả trứng, đậu phụ hoặc tấm bánh ăn nhanh, nghỉ ngơi để chiều còn dậy làm vườn” - bà Đán tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Dung (74 tuổi, Nam Định) cho biết thuở trẻ, hai ông bà có tham gia kháng chiến nhưng là thanh niên xung phong. Do đó, khi về già, hành trang mang theo tất cả chỉ có vài tấm bằng khen và chiếc thẻ bảo hiểm y tế hỗ trợ chứ không có trợ cấp.

Bà Dung chăm đàn gà mái đẻ lấy trứng tăng thu nhập. Ảnh: Mạnh Cường.

Thu nhập chính của bà và chồng chủ yếu dựa vào đàn gà mái, con chó đẻ và công việc thu mua ve chai mỗi ngày. Dù vậy, bà Dung vẫn phải chắt bóp chi tiêu khi thường xuyên phải mua thuốc điều trị đồng thời chồng bà sức khỏe yếu, không thể làm ra thu nhập.

“Mỗi tháng, tôi đều phải lên thành phố khám và lấy thuốc điều trị bệnh huyết áp cao, tim mạch. Cả tiền xe, tiền thuốc hết khoảng 600.000 đồng. Chồng tôi sức khỏe yếu nên chẳng thể làm ra tiền, chỉ đỡ đần được công việc nhà, đồng áng, trồng rau để tiết kiệm chi phí sinh hoạt” - bà Dung tâm sự.

Chia sẻ với Lao Động, bà Dung cho biết thu nhập từ việc mua ve chai, bán trứng, bán chó con mỗi tháng chỉ khoảng 1,5 - 2 triệu đồng. Trong khi đó, tiền thức ăn hàng ngày cho hai người dù có cố gắng chắt bóp nhất cũng phải chi ra từ 30.000 đến 40.000 đồng.

Cộng thêm tiền thuốc, tiền điện, tiền thăm hỏi người ốm, hiếu hỷ nữa, thu nhập lúc nào cũng bị âm. Vì thế, 3 người con của bà vẫn thường xuyên biếu tiền, mua thức ăn để đỡ đần cha mẹ. Trong thâm tâm, bà Dung cảm thấy bản thân và chồng như vô tình trở thành gánh nặng của các con.

Cả bà Đán và bà Dung đều mong sẽ có cơ chế mở để đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội trong thời gian sớm nhất. Đối với người cao tuổi, trợ cấp xã hội chính là động lực để vơi đi nỗi lo cơm áo gạo tiền và phiền muộn con cái.

“Nếu được Nhà nước hỗ trợ trợ cấp, tôi sẽ yên tâm hơn trong việc ăn uống hàng ngày. Ít ra một tuần cũng sẽ được bốn năm bữa thịt để có sức làm việc. Nếu trợ cấp xã hội tăng lên 750.000 đồng, tôi sẽ hạn chế dậy sớm làm việc để giữ gìn sức khỏe” - bà Đán cho hay.

Tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chính phủ cũng đề xuất hạ độ tuổi người cao tuổi được hưởng trợ cấp hàng tháng từ 80 tuổi xuống 75 tuổi. Hiện hành, những nhóm người lao động không hưởng lương hưu dưới đây sẽ được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn; Người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn