MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: Hạnh Hà.

Người hưởng trợ cấp thất nghiệp chủ yếu là công nhân dệt may, điện tử

HẠNH AN LDO | 06/07/2023 10:00

Số người làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp chủ yếu là công nhân làm việc trong các ngành dệt may, điện tử, giày da, sản xuất chế tạo, phần lớn họ đã mất việc từ đầu năm.

Nửa đầu năm, hơn 500.000 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo Bộ LĐTBXH, số lao động nộp hồ sơ đề nghị và có quyết định hưởng thất nghiệp trong quý II/2023 đều tăng mạnh so với quý I/2023, nâng tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trong nửa đầu năm tăng lên hơn 500.000 người.

Trong quý II/2023, cả nước có 357.513 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 152.385 người so với quý I và tăng 55.927 người so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 348.715 người (quý I là 169.846 người), 5.891 người được hỗ trợ học nghề (con số này ở quý I là 5.318 người); 670.720 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm (quý I là 432.978 người).

Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 562.641 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; hơn 518.500 người có quết định hưởng; 11.209 người được hỗ trợ học nghề và hơn 1,1 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, số lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong quý II vừa qua phần lớn không có bằng cấp, chứng chỉ, chiếm 68,9% (tỷ lệ này ở quý I là 67%); tiếp theo là nhóm người hưởng có trình độ đại học trở lên, chiếm 13,1%; sơ cấp chiếm 6,8%; cao đẳng 5,8% và trung cấp 5,4%.

Thất nghiệp nhiều ở nhóm lao động phi chính thức

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, hết tháng 5.2023, đơn vị này tiếp nhận gần 34.000 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 36% (tương đương tăng khoảng 9.100 người) so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, có 43.674 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 42.892 người có quyết định hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2022. Mức hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp bình quân là 3.952.409 đồng/người/tháng.

Hiện đơn vị đang tổng hợp tình hình hưởng trợ cấp thất nghiệp 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, qua nắm bắt sơ bộ, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội ghi nhận hơn 43.000 hồ sơ nộp hưởng trợ cấp thất nghiệp, riêng trong tháng 6 tiếp nhận hơn 10.000 hồ sơ.

Số người làm hồ sơ thất nghiệp chủ yếu là công nhân dệt may, giày da... Ảnh minh họa: Thế Đại.

Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, những lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp này ít nhất đã mất việc từ tháng 2. Sau thời gian chưa tìm kiếm được việc làm, người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm.

Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội ghi nhận số người làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp chủ yếu là công nhân làm việc trong các ngành dệt may, điện tử, giày da, sản xuất chế tạo. Lao động bị cắt giảm đã có sự dịch chuyển sang các ngành thâm dụng lao động so với năm trước chủ yếu là du lịch, khách sạn, giao thông vận tải.

Bức tranh thị trường lao động vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức là điều đã được phản ánh rõ qua các con số thống kê, báo cáo, tuy nhiên vẫn có những điểm sáng là nhu cầu tuyển dụng lao động ở một số ngành, lĩnh vực, và ngay tại địa phương nơi xảy ra tình trạng cắt giảm lao động là vẫn có.

Đơn cử tại Hà Nội, trong phiên giao dịch việc làm cuối tuần vừa qua (ngày 1.7) cũng có 36 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, tuyển sinh 2.470 chỉ tiêu. Các đoanh nghiệp tuyển dụng nhiều chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ, chiếm 44%, ngoài ra còn có các lĩnh vực khác như: Sản xuất, xuất khẩu lao động, giáo dục - đào tạo, vận tải...

“Sự đa dạng lĩnh vực ngành nghề của các doanh nghiệp sẽ phù hợp với nhu cầu tìm việc của người dân, người lao động để tạo điều kiện cho những người chưa tìm kiếm được việc làm lựa chọn được công việc thích hợp với khả năng, có thể gắn bó lâu dài, ổn định đời sống ngay tại địa phương”, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thông tin.

Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự báo một số ngành có nhu cầu tuyển dụng tiếp tục tăng trong thời gian tới như: Thông tin và truyền thông, Dịch vụ lưu trú và ăn uống, Bán buôn và bán lẻ. Tuy nhiên, bên cạnh đó sẽ có một số nhóm ngành được dự báo là sẽ xuất hiện tình trạng giảm việc làm do thiếu hụt đơn hàng như: Công nghiệp chế biến chế tạo, Hoạt động kinh doanh bất động sản…

Nói về vấn đề này tại phiên họp Chính phủ tháng 6 ngày 4.7, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai tốt các chính sách ổn định thị trường lao động, tạo công ăn việc làm, đảm bảo an ninh trật tự, an ninh con người, an sinh và an dân. Đặc biệt là tập trung triển khai những chính sách liên quan đến tiền lương, doanh nghiệp để hỗ trợ trong thời điểm khó khăn này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn