MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Nguyễn Văn Nghiệp trình bày vụ việc với phóng viên. Ảnh: Quế Chi

Người lao động bị tai nạn lao động, công ty “phớt lờ” luật

Tất Thảo LDO | 16/11/2017 06:55
Cách đây hơn 1 năm, anh Nguyễn Văn Nghiệp (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) bị tai nạn lao động, mất đi một cánh tay khi đang làm việc tại Cty TNHH Thành Thịnh (cùng huyện). 

Mặc dù pháp luật quy định rất rõ ràng về trách nhiệm của người chủ sử dụng lao động khi xảy ra vụ việc như trên, nhưng Cty vẫn phớt lờ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.

Kỳ 1: Phớt lờ các quy định của pháp luật

Sau khi xảy ra vụ tai nạn lao động (TNLĐ), Công ty TNHH Thành Thịnh đã phớt lờ hầu hết các quy định của pháp luật về lĩnh vực này. Chính vì việc xem thường pháp luật trên khiến người lao động đến thời điểm này vẫn chưa được bồi thường và hưởng tiền bảo hiểm TNLĐ.

Người lao động bị cuốn đứt tay

Mới đây, Báo Lao Động nhận được đơn của anh Nguyễn Văn Nghiệp (sinh năm 1978, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đề nghị báo vào cuộc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Trong đơn, anh Nghiệp cho biết, năm 2011, anh xin vào làm công nhân tại Cty TNHH Thành Thịnh (chuyên sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất gạch bằng công nghệ lò nung tuynel và công nghệ lò nung vòm tại xã Liễu Khê, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

Đến ngày 9.10.2016, trong lúc đang lao động tại bộ phận sản xuất đùn gạch và tạo hình sản phẩm, anh bị băng chuyền tải đất cuốn đứt cánh tay trái đến khớp bả vai. Sau khi xảy ra tai nạn, anh được anh em trong tổ máy đưa vào trạm y tế xã để cấp cứu, sau đó đưa ra Bệnh viện Việt - Đức cấp cứu và phẫu thuật tháo khớp bả vai.

“Từ khi tai nạn đến nay, Cty mới hỗ trợ cho gia đình tôi tiền điều trị tại Bệnh viện Việt - Đức (phẫu thuật cắt cánh tay trái) với số tiền là 30 triệu đồng. Tôi đã rất nhiều lần đề nghị Cty tạo điều kiện cho tôi được đi giám định sức khỏe để hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ theo đúng chế độ chính sách nhưng phía Cty không tạo điều kiện” - anh Nghiệp viết trong đơn.

Điều đáng nói, sau khi xảy ra vụ việc này, Cty đã không lập biên bản về vụ việc; không trình báo với cơ quan chức năng về vụ việc. Vụ việc chỉ được cơ quan chức năng nắm được vào tháng 4.2017, khi anh Nghiệp có đơn đề nghị giải quyết. Việc không lập biên bản vụ việc đã ảnh hưởng rất lớn đến việc lập hồ sơ để làm chế độ trong trường hợp của anh Nghiệp.

Ngày 6.6.2017, Thanh tra Sở LĐTBXH đã ra quyết định xử phạt hành chính Cty TNHH Thành Thịnh với tổng mức phạt là 10 triệu đồng. Cụ thể, phạt 7 triệu đồng với hành vi không khai báo, điều tra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng theo quy định tại điểm K, khoản 2, Điều 16 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22.8.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi nước ngoài theo hợp đồng; phạt 3 triệu đồng đối với hành vi không tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, người học nghề, tập nghề khi tuyển dụng và sắp xếp lao động.

Ngày 30.6.2017, Thanh tra Sở LĐTBXH có đơn trả lời anh Nghiệp. Theo đó, Thanh tra Sở cho rằng, đối với vụ TNLĐ trên, Cty đã không thực hiện quy trình, thủ tục điều tra TNLĐ của Đoàn điều tra TNLĐ cấp cơ sở được quy định tại Điều 13 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15.5.2016 của Chính phủ; không thực hiện bồi thường hoặc trợ cấp cho người lao động bị TNLĐ theo khoản 4 hoặc khoản 5, Điều 38, Luật An toàn vệ sinh lao động; không thực hiện giới thiệu để người lao động bị TNLĐ được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động được quy định tại khoản 6, Điều 38, Luật An toàn vệ sinh lao động; không thực hiện lập hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ theo quy định.

Gia cảnh bi đát

Anh Nguyễn Văn Nghiệp đang phải sống cùng bố mẹ già, vợ và 2 con; gia cảnh vô cùng khó khăn, khốn đốn. Trước đây, anh là người kiếm tiền chính trong nhà. Nhưng sau khi bị TNLĐ, nhiều tháng nay, anh không có việc làm, nên thu nhập của cả gia đình trông chờ vào thu nhập của vợ anh.

Vợ anh làm công nhân, một tháng chỉ kiếm được khoảng 3 triệu đồng. Chị lại bị bệnh từ năm 2014 đến nay, nên công việc rất bấp bênh, có tháng nghỉ đến cả chục buổi. Trong khi đó, hai cháu đang học lớp 6 và lớp 3, rất tốn kém.

Anh Nghiệp cho biết, đầu năm học vừa rồi, mỗi cháu phải đóng hơn 3 triệu đồng, nhưng do chưa có tiền, nên anh chị mới đóng cho mỗi cháu được gần 600.000 đồng. Bị mất cánh tay, sức khỏe anh suy giảm, kiếm công việc mới cũng rất khó khăn và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hằng ngày.

Bà Nguyễn Thị Liên (SN 1954, mẹ anh Nghiệp) khóc cho biết, bà có 4 người con, anh Nghiệp là người con trai duy nhất. Trước đây, có việc gì cũng đến tay anh Nghiệp, giờ con bà bị tai nạn, nên hoàn cảnh gia đình lại càng khó khăn hơn. Cách đây mấy ngày, tai họa lại giáng tiếp xuống nhà anh Nghiệp khi căn nhà bếp của gia đình bị hỏa hoạn thiêu rụi, khiến cuộc sống gia đình càng thêm bi đát.

Ông Nguyễn Thế Dựng - Giám đốc BHXH huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh - cho biết, khi xảy ra vụ tai nạn, Cty không báo cho BHXH huyện. Dù anh Nghiệp thuộc đối tượng tham gia BHXH, nhưng để giải quyết cho anh Nghiệp được hưởng bảo hiểm TNLĐ thì hầu như Cty không làm gì, trong khi trách nhiệm của Cty là phải nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm TNLĐ cho người lao động.

Ông Dựng cũng cho biết thêm, về nguyên tắc của luật, khi nào giám định xong thì anh Nghiệp mới được hưởng bảo hiểm TNLĐ, chứ không phải từ lúc bị TNLĐ. Chính vì vậy, vụ việc càng lâu được giải quyết thì người lao động càng thiệt thòi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn