MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cả ngàn công nhân lao động lỉnh kỉnh đồ đạc về quê. Ảnh: Công an cung cấp

Người lao động Bình Dương nôn nóng muốn về quê, cần sớm chi trả hỗ trợ

ĐÌNH TRỌNG LDO | 15/08/2021 18:38

Ngày 15.8, hàng ngàn công nhân lao động ở Bình Dương đã rời khỏi nơi cư trú, lỉnh kỉnh đồ đạc về quê. Lực lượng chức năng vận động thuyết phục người dân ở lại Bình Dương tiếp tục thực hiện "ai ở đâu yên đó".

Công nhân khó khăn nôn nóng muốn về quê

Ngày 15.8, ghi nhận tại Bình Dương cả ngàn người lao động lo lắng về tình hình dịch bệnh, không còn tiền và lương thực tích trữ đã chuẩn bị đồ đạc để đi xe máy về quê.

Công an tỉnh Bình Dương cho biết, trên tuyến quốc lộ 13, phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh ghi nhận nhiều trường hợp người dân tự ý về quê bằng phương tiện xe cá nhân.

Tại phường An Phú, thành phố Thuận An có hàng trăm người dân cùng balo, đồ đạc được bó chặt trên những chiếc xe máy. Đa số họ đều là những công nhân lao động trên địa bàn thành phố Thuận An đang chuẩn bị về quê.

Lực lượng chức năng test nhanh COVID-19 những công nhân lao động nôn nóng muốn về quê. Ảnh: Công an cung cấp

Trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, lực lượng chức năng cũng phát hiện nhiều nhóm người, phương tiện đang trên đường di chuyển về quê.

Trước việc phát hiện người dân di chuyển không có lý do, giấy tờ hợp lệ, lực lượng công an cùng chính quyền địa phương yêu cầu người dân phải quay trở về nơi đang cư trú thực hiện đúng Chỉ thị 16 theo tinh thần "ai ở đâu yên đó".

Sớm chi trả hỗ trợ người lao động theo chính sách đã có

Tính đến ngày 15.8, đã trải qua 1 tháng nhóm lao động tự do ở Bình Dương không đi làm, không có thu nhập. Nhóm lao động ở doanh nghiệp nhưng không thực hiện phương án "3 tại chỗ" hay "1 cung đường, 2 địa điểm" cũng chỉ ở trong phòng trọ. Tiền tích trữ dần cạn, gạo trong phòng cũng gần hết.

Để tiếp sức cho người lao động, các cơ quan đoàn thể ở Bình Dương đã tổ chức nhiều đợt trao gạo, nhu yếu phẩm nhưng vẫn chưa rộng khắp, nhiều người vẫn chưa nhận được hỗ trợ.

Cần sớm giải ngân hỗ trợ công nhân lao động theo các chính sách đã được công bố. Ảnh: Đình Trọng

Trong khi đó, các chính sách theo Nghị quyết 68 của Chính Phủ và Quyết định số 09 của UBND tỉnh Bình Dương thì chậm triển khai. Các địa phương còn lúng túng, khiến nhiều người lao động khó khăn chưa được hỗ trợ đúng lúc.

Về vấn đề chính sách an sinh xã hội, theo UBND tỉnh Bình Dương, hiện nay đã có đầy đủ văn bản hướng dẫn, UBND tỉnh cũng đã họp trực tuyến với các địa phương để quán triệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tinh thần là đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện/thị xã/thành phố chỉ đạo chi trả cho các đối tượng thụ hưởng kịp thời.

Sở LĐTBXH Bình Dương cũng ra văn bản hướng dẫn bổ sung. Về đối tượng, không phân biệt người dân thường trú hoặc đang ở nhà trọ, nhà thuê (tính luôn cả người tạm trú nhưng chưa đăng ký tạm trú, tạm vắng với chính quyền địa phương). Về thủ tục, người lao động chỉ cần kê khai và cam kết nội dung để nộp, không cần phô tô gửi kèm bất cứ loại giấy nào.

Bình Dương tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, thực hiện giới nghiêm từ 18h tối đến 6h sáng. Ảnh: Đình Trọng

Dịch bệnh còn phức tạp - Tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16

Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận trên 41.600 ca mắc COVID-19, quá trình sàng lọc tiếp tục phát hiện nhiều F0 trong cộng đồng. Cho đến chiều tối 15.8, UBND tỉnh Bình Dương mới có quyết định về việc thực hiện giãn cách.

Theo đó, các thành phố Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát, Tân Uyên tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 16 từ nay đến hết 31.8. Các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo thực hiện theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 22.8. Toàn tỉnh thực hiện giới nghiêm từ 18h tối đến 6h sáng hôm sau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn