MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh Nguyễn Đức Thắng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Người lao động bức xúc vì bị nợ lương thời gian dài

Quế Chi LDO | 31/10/2023 06:35

Sau khi Báo Lao Động đăng tải bài viết phản ánh Công ty Cổ phần Cơ khí lắp máy Sông Đà nợ lương người lao động, thêm người lao động tiếp tục phản ánh bị công ty nợ lương kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của họ.

Nợ lương, chưa được chốt sổ bảo hiểm xã hội

Phản ánh đến Báo Lao Động, anh Nguyễn Văn Đáp (sinh năm 1978) cho biết, trước đây, anh làm việc tại Công ty Cổ phần Cơ khí lắp máy Sông Đà - Chi nhánh 1 (tỉnh Hòa Bình) với vị trí bảo vệ, được ký hợp đồng không xác định thời hạn. Lương hàng tháng của anh nếu đủ công là 3,6 triệu đồng.

“Trong thời gian làm việc, nhiều lần tôi bị chậm lương rất lâu. Có khi giữa năm mới lấy được tiền lương đầu năm” - anh Đáp phản ánh.

Do bị nợ lương, chậm lương nhiều, cuộc sống khó khăn, đến ngày 15.3.2021, sau 17 năm làm việc tại công ty, anh Đáp xin nghỉ việc. Đến thời điểm này, công ty vẫn đang nợ anh 4 tháng lương, tiền phép của 3 năm (mặc dù theo anh, nếu tính đúng là phải 6 năm), tiền trực Tết. Hiện tổng số tiền công ty còn nợ anh là 22 triệu đồng.

Thời điểm anh nghỉ việc, không có thu nhập, lại bị nợ lương khiến cuộc sống rất khó khăn. Vợ anh làm công nhân, thu nhập chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng, trong khi các con đang tuổi ăn học.

Không chỉ vậy, công ty còn nợ cả tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) nên anh vẫn chưa chốt được sổ BHXH.

“Tôi có 11 năm tham gia BHXH. Công ty mới đóng BHXH cho tôi đến năm 2015 nên sổ BHXH hiện vẫn đang “treo” ở thời điểm đó. Đến thời điểm này tôi vẫn chưa được chốt sổ” - anh Đáp phản ánh.

Theo anh Đáp, khi phản ánh đòi lương, công ty nói là đang gặp khó khăn nên chưa thể trả; công ty cũng hứa sẽ thanh toán tiền lương, chốt sổ BHXH, nhưng sau đó thất hứa.

Mong sớm được thanh toán tiền lương còn nợ

Cùng chung cảnh ngộ với anh Đáp, anh Nguyễn Đức Thắng (sinh năm 1983). Ngày 2.8.2022, anh Thắng và Công ty Cổ phần Cơ khí lắp máy Sông Đà thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Tuy nhiên, đến thời điểm này anh vẫn chưa được thanh toán tiền lương.

“Trong thời gian làm việc, chưa bao giờ công ty trả lương đúng hạn, có khi bị chậm lương 6 tháng đến cả năm. Là nguồn thu nhập chính trong nhà, nhưng lại bị công ty chậm lương, đời sống của gia đình không đảm bảo nên tôi chấm dứt hợp đồng lao động với công ty. Tôi nghỉ làm từ năm 2022, nhưng công ty còn nợ lương của tôi từ năm 2020 với tổng số tiền là 120 triệu đồng” - anh Thắng cho hay.

Ngoài ra, anh Thắng cho biết, mới được công ty đóng BHXH đến 2016, chưa được chốt sổ BHXH. Như vậy, anh bị công ty nợ đóng BHXH từ 2017 đến năm 2022. Hiện anh Thắng đã đi làm ở đơn vị khác, được đóng BHXH nhưng chưa thể “nối” vào quãng thời gian đóng BHXH trước đây.

“Người lao động làm công ăn lương, bỏ công sức làm việc cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm trả lương cho người lao động, không thể lấy lý do chưa được thanh toán tiền thi công. Tôi không chấp nhận lý do như vậy” - anh Thắng bày tỏ.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 23.10, phóng viên Báo Lao Động có gọi điện, nhắn tin tới số điện thoại của ông Lê Văn Tám - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí lắp máy Sông Đà để hẹn làm việc nhưng không nhận được phản hồi ngay.

Đến ngày 24.10, ông Lê Văn Tám có nhắn tin lại cho biết, do đang có chuyến công tác xa nên sẽ thu xếp thời gian và thông báo lại khi ông về đến Hà Nội. Tuy nhiên, đến ngày 30.10, phóng viên chưa nhận được thông báo lại của ông Tám.

Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định, trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ một số trường hợp theo quy định có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Ngoài ra tại Khoản 3 Điều này quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn