MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CNLĐ và cán bộ CĐ TPHCM đều mong Nhà nước sớm tăng lương tối thiểu vùng để giảm bớt khó khăn. Ảnh: Đức Long

Người lao động, cán bộ công đoàn mong sớm được tăng lương tối thiểu vùng

Nam Dương LDO | 11/06/2022 14:00

Giá cả leo thang nhanh chóng và 2 năm qua chưa được tăng lương tối thiểu vùng khiến đời sống của công nhân lao động vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn. Ai cũng mong muốn được tăng lương tối thiểu vùng từ 1.7.2022 để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Tăng lương càng sớm càng tốt

“Muốn chứ anh”, chị Nguyễn Thị Thu Hương - CN bộ phận Plan 2 - Công ty VIệt Nam Samho (huyện Củ Chi, TPHCM) trả lời ngay tức khắc khi được hỏi có muốn được sớm tăng lương tối thiểu vùng không.

Chị Hương phân tích, đã hai năm qua, Nhà nước chưa tăng lương tối thiểu vùng, còn công ty cũng không tăng lương cho NLĐ. Trong khi đó, tác động của dịch COVID-19 năm 2021 khiến cho NLĐ phải ngừng việc nhiều tháng, thu nhập không có, các khoản tích lũy cũng không còn, thậm chí nhiều NLĐ phải đi vay mượn để trang trải cuộc sống. Dịch dã mới ổn định được vài tháng, thì giá cả tăng chóng mặt, cái gì cũng tăng.

“Rau trước đây chỉ 5.000 đồng/bó giờ lên 10.000 đồng mà cũng chỉ có chút ít, mua nấu canh thì còn tàm tạm chứ luộc thì ít lắm; gạo cũng lên 2.000 - 3.000 đồng/kg; thịt tăng thêm vài chục nghìn đồng/kg. Những người bán hàng ở chợ vì mua hàng tăng giá nên cũng bán hàng tăng lên. 

Đặc biệt, trước đây đổ bình xăng chỉ 70.000 đồng giờ lên hơn 100.000 đồng, rất xót ruột”, chị Hương chia sẻ và cho biết rất mong Nhà nước có quyết định tăng lương tối thiểu vùng càng sớm càng tốt, để cho đời sống của CNLĐ bớt khổ.

Tương tự, chị Trần Thị Hoàng Trang - công nhân Công ty PouYuen Việt Nam (Quận Bình Tân) cũng chia sẻ: “Thấy cuộc sống giờ ai cũng khó khăn. Thịt, cá, rau, cụ, gạo, đường, dầu ăn… cái gì cũng lên giá, nhất là rau củ quả thì lên giá nhiều nhất. Chỉ mong sao Nhà nước sớm tăng lương tối thiểu từ đầu tháng 7.2022 để công nhân đỡ được chút nào hay chút đó”.

Chị Nguyễn Thị Tươi - CN Công ty Freetrend A (KCX Linh Trung 1, TP.Thủ Đức) - cũng than phiền gần 2 tháng nay, giá cả các đồ tiêu dùng thiết yếu đều tăng nhanh chóng và khiến cho chị khi mua bán cái gì cũng phải tính toán cân nhắc kỹ. 

Tăng lương phải gắn với kiềm chế giá

Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch CĐ Công ty Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao TPHCM) có khoảng gần 6.000 CN - cho biết liên tục vừa qua, ông được nghe rất nhiều lời ta thán của CNLĐ về giá cả tăng làm ảnh hưởng đến đời sống của họ. Là người cũng đi chợ mua đồ ăn cho gia đình hằng ngày, ông Hồng cũng rất thấm thía khi thấy đồ ăn, thức uống cái gì cũng lên giá kinh khủng, nhiều khi thấy xót ruột khi mua đồ. Theo ông Hồng, việc Hội đồng tiền lương quốc gia hợp và thống nhất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ lúc chưa xảy ra căng thẳng giữa Nga và Ukraina, giá xăng khi đó chỉ bằng khoảng 70% so với hiện nay, khiến giá cả mọi thứ đều còn “dễ thở”. 

Nay giá xăng tăng cao đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, khiến cho các mặt hàng đều tăng và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến cho đời sống của CNLĐ vốn đã gặp nhiều khó khăn càng bức bách hơn. 

“Tôi rất đồng tình với mong muốn của tất cả CNLĐ là Nhà nước sớm tăng lương tối thiểu vùng”, ông Hồng nói.

Đồng tình  với quan điểm trên, ông Nguyễn Phước Đại - Chủ tịch CĐ Công ty Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, TPHCM) - nói thêm: ‘Đã 2 năm qua, Nhà nước không tăng lương tối thiểu vùng.

 Như vậy, CNLĐ đã rất chia sẻ với doanh nghiệp, dù chính họ cũng gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19. Mức tăng lương tối thiểu vùng 6% là thấp so với mong muốn của CNLĐ, vì thế Nhà nước cần sớm tăng lương tối thiểu vùng để giúp cho NLĐ được bù đắp phần thiệt thòi của mình càng sớm càng tốt”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn