MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tư vấn rút Bảo hiểm xã hội một lần tại Khánh Hoà. Ảnh: Hữu Long

Người lao động cần tỉnh táo với việc rút Bảo hiểm xã hội một lần

Tường Minh - Hữu Long LDO | 17/11/2021 15:50

Người lao động rút Bảo hiểm xã hội một lần ngày càng nhiều, nhất là các địa phương vùng dịch miền Trung như Đà Nẵng, Khánh Hoà, Quảng Nam... Và việc này có lợi trước mắt cho người lao động nhưng sẽ thiệt thòi về lâu dài.

Tâm lý đến đâu hay đến đó

Ông Phan Xuân H., sống ở quận Liên Chiểu, Đà Nẵng là viên chức làm việc trong một cơ quan nhà nước, đã có hơn 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội. Mới đây, do cuộc sống khó khăn nên ông H quyết định nộp đơn làm thủ tục rút Bảo hiểm xã hội một lần và nhận được gần 30 triệu đồng.

“Chẳng đặng đừng, không còn cách nào khác, tôi mới rút Bảo hiểm xã hội một lần”, ông H nói. Theo ông H thì vợ ông là nhân viên của một doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Đà Nẵng. Và do ảnh hưởng của dịch COVID-19, gần 2 năm nay, vợ ông rơi vào cảnh thất nghiệp, không lương, chỉ có ít trợ cấp.

“Hai con tôi đang tuổi ăn học nhưng cuộc sống của 4 người trong gia đình chỉ trông chờ vào tiền lương hàng tháng của tôi nên cuộc sống rất khó khăn. Tôi biết tới đây khi không còn lương hưu, cuộc sống của mình sẽ còn khó khăn hơn nhưng phải tặc lưỡi, thôi đến đâu hay đến đó”, ông H nói.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021, đơn vị này đã giải quyết chế độ Bảo hiểm xã hội một lần cho 6.138 lượt người, tăng 63,51% so với cùng kỳ năm trước.

Theo lý giải của lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng, mặc dù thành phố Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, nhưng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn vẫn gặp khó khăn.

Thực trạng này đã khiến nhiều lao động không có việc làm, rơi vào cảnh thất nghiệp, không có điều kiện tiếp tục tham gia Bảo hiểm xã hội, nhiều người đã chờ đủ 12 tháng nghỉ việc để làm hồ sơ đề nghị giải quyết Bảo hiểm xã hội một lần.

Tại Khánh Hoà, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cùng với nhận thức của một bộ phận lao động còn hạn chế, khiến số lượng thanh toán Bảo hiểm xã hội một lần ở địa phương này đang ngày một lần tăng lên, ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội.

Cụ thể, số người lao động nhận trợ cấp Bảo hiểm xã hội một lần (tính đến tháng 10.2021) là 17.648 người.

Lợi bất cập hại

Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng đánh giá, việc người lao động nhận Bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc họ rời bỏ hệ thống Bảo hiểm xã hội, tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất.

Đây là một thực trạng đáng báo động, đáng lo ngại trong việc đảm bảo quyền lợi và chính sách an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.

Việc người lao động hưởng Bảo hiểm xã hội một lần có thể dẫn đến những thiệt thòi về quyền lợi trước mắt và cả lâu dài. Khi nhận Bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ mất đi cơ hội hưởng lương hưu, không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già.

Nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố, Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp như tăng cường công tác truyền thông. Bố trí cán bộ thường trực ở bộ phận tiếp nhận và quản lý hồ sơ tuyên truyền, giúp cho người lao động hiểu rõ những thiệt hơn khi nhận Bảo hiểm xã hội một lần.

Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng vận động họ tiếp tục tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện khi đến làm thủ tục; chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Bảo hiểm xã hội quận, huyện chủ động phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, nhất là mục đích, vai trò, ý nghĩa và quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm xã hội.

Ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc quản lý và điều hành Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết: Đơn vị trong thời gian qua có những giải pháp để giữ chân người tham gia sau thời gian dài dịch bệnh.

Đó là phối hợp với các đơn vị sử dụng lao động tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về chính sách Bảo hiểm xã hội.

“Đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động là cần thiết và cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cả trước mắt và trong dài hạn, trong đó quan trọng nhất là tạo được sự đồng thuận của người lao động để từ đó hạn chế tối đa số người lao động quyết định nhận Bảo hiểm xã hội một lần” – ông Lê Hùng Chính thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn