MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh sinh hoạt trong một khu nhà trọ công nhân tại TPHCM. Ảnh: Nguyễn Ly

Người lao động chắt bóp chi tiêu

NGUYỄN LY LDO | 14/03/2022 11:08
Vật giá leo thang, dịch bệnh vẫn phức tạp khiến cuộc sống của nhiều người lao động rơi vào cảnh khó khăn hơn. Đặc biệt, giá xăng tiếp tục tăng khiến không ít người đã thay đổi hành vi tiêu dùng và thói quen để cân đối thu chi khi sống ở thành phố.

Đắn đo “mở ví”

Khoảng 1 tuần trở lại đây, chị Nguyễn Thị Minh Phượng (quận Bình Tân, TPHCM) bắt đầu ngày mới bằng những công việc trong bếp trước khi đi làm. Sống một mình tại thành phố hơn 7 năm nay, chị Phượng thường ăn cơm ngoài nhiều hơn cơm nhà vì bận rộn. Nhưng đứng trước thời vật giá leo thang, sinh hoạt, chi tiêu của chị Phượng đã thay đổi. 

“Mỗi lần đi làm về nhà tôi chỉ muốn nghỉ ngơi nên thường cái gì sẵn tiện là mua. Từ ăn uống, cà phê, sắm sửa đều mua cho tiện. Nhưng giờ phải khác, sáng chịu khó dậy sớm để nấu ăn mang đi làm, mua sắm thì cái gì thật cần thiết mới mua”.

Cầm điện thoại trên tay, chị Nguyễn Minh Trang (26 tuổi, quận Phú Nhuận, TPHCM) đang chọn đồ ăn cho bữa trưa, nhưng đã 10 phút chị vẫn chưa đặt được món vì phải lựa quán ăn có được áp dụng giảm giá và gần nơi chị làm để đỡ tốn nhiều tiền giao hàng. “Thực ra để đặt một bữa ăn giá chỉ ngoài 50.000 đồng, nhưng nếu chịu khó tìm món và app ưu đãi sẽ được giảm chút ít, hôm nào không được giảm thì mình lại đi tìm quán nào gần cơ quan để ăn” - chị Trang chia sẻ. 

Cùng chung suy nghĩ với chị Trang, chị Nguyễn Thị Phương Dung (quận Bình Tân, TPHCM) cũng đang chật vật với chi tiêu những tháng tới cho gia đình 2 vợ chồng và một em bé vừa tròn 1 tuổi. Dịch bệnh bùng phát, giá cả leo thang khiến vợ chồng chị Phương Dung cắt giảm chi tiêu rất nhiều để ổn định cuộc sống. 

“Tiền sữa, tiền bỉm và đồ ăn khác cho em bé rất tốn kém. Sau khi sinh tôi phải nghỉ việc ở nhà chăm con nên mọi khoản chi tiêu đều nhờ vào chồng. Giờ đi ra chợ mua bữa cơm bình thường thôi mà mỗi ngày mất gần 150.000 đồng, mua gì cũng phải cân nhắc, tiết kiệm được ít nào hay ít đó” - chị Phương Dung chia sẻ. 

Thay đổi thói quen

Vừa mới đi chợ về với số đồ ăn treo trên xe máy, bà Nguyễn Thị Chín (53 tuổi, ngụ ở quận Bình Tân, TPHCM) nói chuyện với chồng mình về giá cả tăng chóng mặt ngoài chợ vì tác động từ giá xăng tăng. Theo bà Chín, thịt heo, cá, rau xanh... tất cả đều tăng lên vài giá khiến bà phải sắp xếp ưu tiên mua những thứ cần thiết nhất cho cả nhà bốn người, các món ăn yêu thích được cắt giảm.

“Khi thấy giá tăng tôi có nói với người bán hàng và ai cũng có một câu trả lời chung là giá xăng tăng quá nên chi phí vận chuyển tăng theo, nếu không tăng giá bán thì không có đồng lời nào. Lúc đó mình chỉ mua cầm chừng, nếu không tính toán chi tiêu là tốn kém lắm”- bà Chín chia sẻ. 

Đó cũng là câu chuyện của gia đình chị Trần Thị Nga (ngụ ở TP Thủ Đức, TPHCM). Từ quê Sóc Trăng lên TPHCM mưu sinh, chị Nga và chồng làm công nhân cho một công ty gần nơi ở, dịch bệnh vừa qua gia đình chị đã lao đao vì giãn cách, may mắn thời điểm đó được chủ trọ miễn tiền phòng trọ nên cả nhà vượt qua được giai đoạn khó khăn. 

Với thu nhập làm công nhân, hai vợ chồng chị Nga kiếm được hơn 15.000.000 đồng/tháng, chị Nga phải chắt bóp khi mỗi tháng lo cho con ăn học cùng tiền phí sinh hoạt mỗi ngày. 

“Giờ cái gì cũng tăng giá nhưng lương thì chưa thấy tăng chút nào, có những khoản cố định chi tiêu mỗi tháng nay tôi cố gắng cắt bớt ít nào hay ít đó. Bây giờ chỉ lo có chuyện gì lớn xảy ra là không có tiền tiết kiệm để chi” - chị Nga ngập ngừng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn