MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá cả hàng hóa leo thang, công nhân mong tăng lương để đáp ứng mức sống. Ảnh: Mỹ Ly

Người lao động chờ tăng lương

MỸ LY LDO | 27/04/2024 12:18

Vật giá lên, khiến chi tiêu của nhiều gia đình công nhân, viên chức, người lao động tăng cao. Theo đó, mọi người đều mong mức lương hiện tại sớm được cải thiện để bù đắp trượt giá, đáp ứng mức sống.

Làm một ngày dùng trong một giờ

Trước đây, mỗi lần đi chợ, chị Trịnh Hồng Cẩn - công nhân Khu Công nghiệp Thốt Nốt (TP Cần Thơ) - sẽ tốn khoảng 150.000 đồng cho cả gia đình ăn trong một ngày. Nhưng từ khi giá cả hàng hóa tăng theo giá xăng, giá gạo thì chi phí một lần đi chợ của nữ công nhân đã lên đến 250.000 - 300.000 đồng, bằng cả ngày lương của chị.

“Mấy tháng gần đây nhờ công ty cho tăng ca nên lương của tôi ổn định ở mức 8 - 9 triệu đồng. Tuy nhiên, giá các mặt hàng ngoài chợ đang tăng, dao động từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng nên cũng không dư dả được gì. Những hôm đi chợ mua đồ ăn cho cả nhà, loay hoay chưa đến một giờ mà tôi đã dùng hết 250.000 - 300.000 đồng. Vợ chồng tôi có thể ăn uống tiết kiệm nhưng con cái thì không, vì các cháu đều đang tuổi ăn tuổi lớn, cần đầy đủ chất dinh dưỡng” - chị Cẩn chia sẻ.

Giá cả hàng hóa tăng cũng tạo thêm áp lực cho gia đình chị Trần Nguyễn Thu Hằng - giáo viên tại một trường mầm non ở huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ). Theo đó, nữ giáo viên phải vun vén chi tiêu để không ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.

“Giờ hàng hóa nào cũng tăng giá, chi tiêu của gia đình bị đội lên đáng kể. Ra chợ muốn dùng 200.000 đồng mua đồ ăn cho cả gia đình thật sự rất khó. Trong khi đó, ngoài tiền ăn hằng ngày, tôi còn phải lo thêm học phí tại trường và học thêm của 2 con. Vì vậy, vợ chồng muốn mua gì cũng cân nhắc thật kỹ để không thiếu trước hụt sau, ảnh hưởng đến con cái” - nữ giáo viên nói.

Đếm từng ngày chờ tăng lương

Trước việc giá cả hàng hóa leo thang, chị Hằng đang rất trông đợi vào mức thu nhập mới sau cải cách tiền lương vào ngày 1.7 sắp tới. Nữ giáo viên hy vọng rằng, mức lương mới sẽ có thể bù đắp trượt giá, giúp cho các thầy cô cải thiện đời sống, có thêm động lực công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

“Khi nghe thông tin lương giáo viên sẽ được ưu tiên xếp ở vị trí cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp, tôi rất hạnh phúc và chờ đợi từng ngày. Điều đó không chỉ giúp cải thiện đời sống của giáo viên mà còn thể hiện được sự quan tâm của Nhà nước đối với những nhà giáo, nhân viên công tác trong ngành giáo dục” - nữ giáo viên tâm sự.

Bên cạnh trông đợi vào mức lương mới, chị Hằng cũng mong giá cả hàng hóa sớm bình ổn, không tăng theo tiền lương: “Tăng lương thì mừng nhưng tôi cũng có lo ngại những mặt hàng ngoài thị trường sẽ tăng theo. Như thế, đời sống chúng tôi cũng chẳng được cải thiện là bao, nhiều khi còn không bắt kịp giá cả hàng hóa. Nên ngoài tăng lương, tôi càng hy vọng thị trường hàng hóa sẽ được kiểm soát và duy trì ổn định”.

Với chị Cẩn, không tăng ca, lương cơ bản quan trọng hơn bao giờ hết. Vì vậy, chị và nhiều công nhân khác đều đang mong muốn lương có thể tăng càng sớm càng tốt để bù đắp những trượt giá mà người lao động đang chịu đựng.

“Hiện công ty có đơn hàng, được tăng ca nên vợ chồng tôi có thể xoay sở được. Nhưng vào thời điểm ít việc e là cuộc sống sẽ chật vật hơn vì hai con ngày một lớn, có rất nhiều thứ phải lo. Cho nên, tôi mong sắp tới lương có thể tăng để phần nào đỡ đần cho công nhân. Một khi thu nhập không còn là nỗi lo thì người lao động chúng tôi có thể an tâm sản xuất, hoàn thành các chỉ tiêu được giao” - chị Cẩn bộc bạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn